'Xưa không có bài tập về nhà tôi vẫn giỏi, nay con học ngày học đêm vẫn lo kém'
Nhiều phụ huynh than thở về khối lượng bài tập về nhà của con quá lớn phải thức khuya để làm bài, khiến trẻ mệt mỏi, hiệu quả kém.
- 28-09-2023TPHCM cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học
- 05-09-2023Đi chơi vẫn cho con "lỉnh kỉnh" mang theo bài tập về nhà, nữ MC nổi tiếng giải thích lý do mà được khen "bà mẹ kiểu mẫu"
11 giờ đêm, chị Trịnh Thị Hường (42 tuổi, trú Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn ngồi bên bàn học để kèm con hoàn thành bài tập về nhà.
Con trai chị đang học lớp 3 một trường tiểu học nổi tiếng trên địa bàn quận. Bé liên tục lấy tay che miệng ngáp, chốc chốc lại quay sang nhìn chị Hường với ánh mắt đỏ hoe như muốn xin được đi ngủ sớm. Thương con nhưng chị chẳng biết làm thế nào bởi số bài tập được giao về nhà bắt buộc phải hoàn thành để mai đến lớp cô giáo sẽ kiểm tra vở.
'Không có bài tập về nhà, chúng tôi vẫn học giỏi'
Hằng ngày, sau khi tan làm trên công ty, chị Hường lật đật chạy vội về nhà đi chợ, chuẩn bị nấu nướng cho bữa cơm tối. Sau khi cả nhà ăn tối xong lại đến tiết mục dạy con học, trong khi chị mệt nhoài chỉ muốn được ngả lưng để nghỉ ngơi.
“Ngày xưa thế hệ 7X, 8X như chúng tôi chẳng bao giờ có khái niệm bài tập về nhà. Sau giờ tan học, về nhà chỉ cần ôn lại những gì thầy cô dạy trên lớp hoặc xem qua bài học trước khi là đủ. Vậy mà chúng tôi ai nấy cũng học tốt, ra trường có công ăn, việc làm ổn định, thăng tiến. Trong khi đó, thời nay các con học ngày, học đêm mà không hiểu sao cô giáo vẫn nhận xét cần cố gắng hơn, lực học còn kém”, chị Hường xót con.
Chị cũng lo ngại khi mới học lớp 3 nhưng con trai ngày nào cũng phải hoàn thành bài tập của 3 - 4 môn, trong đó nặng nhất là Toán và Tiếng Việt. Số lượng bài tập ngồn ngộn được cô giáo giao về nhà gần như chiếm trọn quỹ thời gian.
Nhiều hôm con chỉ vừa kịp thay bộ quần áo đồng phục lại vội ngồi ngay vào bàn học để giải quyết phần bài tập cô giáo giao. Bữa cơm tối cũng phải ăn thật nhanh để còn “dùi mài” đống “kinh sử” đang chờ sẵn trên bàn, nếu không thì sẽ phải đi ngủ rất muộn.
Thời gian ăn, ngủ đều phải cắt giảm tối đa để phục vụ cho việc làm bài tập về nhà, thế nên phút giây vui chơi, giải trí là điều gì đó thực sự “xa xỉ” với các em.
“Với việc dành quá nhiều thời gian để học, ngoài thể chất, tôi rất lo lắng sức khỏe tinh thần của con. Thương con nhưng tôi chẳng biết làm thế nào, bởi bài tập về nhà ngày nào cũng cần phải giải quyết. Bài tập về nhà dường như đang cướp đi tuổi thơ của con”, chị Hường nói.
Bài tập của con, cả nhà cùng làm
Đồng quan điểm, chị Liễu (39 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, trẻ con bây giờ dành phần lớn thời gian trong ngày để học. Học từ trên trường đến ở nhà, học hết sách giáo khoa đến sách bài tập, sách nâng cao.
Nhớ lại thời gian cách đây 25 năm về trước, chị và bạn bè đồng trang lứa hầu như không có bài tập về nhà hoặc nếu có thì rất ít, "chỉ học thuộc bài thơ, làm vài phép tính thực hành".
Nhớ những ngày học phổ thông, hầu như sau mỗi buổi học ở trường về nhà là anh chị em đều cất sách vở để phụ giúp gia đình hoặc vui chơi cùng bạn bè. "Học hành ít là vậy nhưng lứa học sinh năm ấy giờ đều có cuộc sống hạnh phúc và gặt hái thành công trong công việc", nữ phụ huynh nói và hoài nghi về việc liệu rằng trẻ em thời nay học hành quá nhiều có mang lại thành công sau này.
Chị phản đối việc giáo viên giao quá nhiều bài tập về nhà cho học sinh, nhất là lứa đầu cấp lớp 1, 2, 3. Chị cho rằng, việc giao bài tập chỉ thực sự hợp lý và hiệu quả với học sinh học nửa buổi/ngày trên trường. Trong khi hiện nay học sinh hầu như học kín lịch trong ngày.
Thời gian còn lại trong ngày sau khi học trên trường, trẻ cần phải nghỉ ngơi, hoạt động thể dục, thể thao để phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần khỏe mạnh, vị phụ huynh nêu quan điểm.
Ngót 2 tháng kể từ khi năm học mới bắt đầu cũng là khoảng thời gian cuộc sống sinh hoạt của gia đình chị Thu Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đảo lộn. Năm nay, con trai lớn của vợ chồng chị bước vào lớp 4, còn con út bắt đầu vào lớp 1.
Ngày mới của hai vợ chồng chị bắt đầu từ 6h sáng, chuẩn bị bữa sáng và đưa hai con đến trường. Sau khi các con an toàn đến trường cũng là lúc hai vợ chồng chị nhoài người ra kiếm tiền. "Chồng làm xe ôm công nghệ, vợ bán tạp hoá ở chợ, công việc vất vả nhưng cũng không đau đầu, mệt mỏi bằng khoảng thời gian tối ở nhà cùng con vật lộn với đống bài tập về nhà", chị Hà ví von.
Việc thức khuya “chiến đấu” cùng con cộng với dậy sớm để chuẩn bị cho ngày mới bươn chải kiếm cơm khiến nhiều hôm vợ chồng chị Hà lờ đờ trong trạng thái mệt rã rời vì thiếu ngủ.
Nhiều lần họp phụ huynh và đóng góp ý kiến trên nhóm lớp, chị Hà luôn đề đạt mong các thầy cô giáo cố gắng truyền đạt tốt nhất, gói gọn bài tập trên lớp để các con về nhà có thời gian vui chơi, "không muốn các con mất tuổi thơ vì những bài tập kín cả 2, 3 trang vở".
Cô giáo Chu Minh Thùy (giáo viên cấp 1 tại Thanh Hóa) cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh bậc tiểu học. Như con cô đang học cấp 2, vì học lớp mũi nhọn nên ngoài bài tập trong sách giáo khoa thầy cô vẫn giao thêm bài tập về nhà, nhưng không nhiều, chủ yếu là ôn lại kiến thức. Còn với lớp đại trà thì bài tập về nhà gần như không có hoặc chỉ là những bài đố vui, hỏi đáp thông thường, ôn lại bài trên lớp.
Ở góc độ chủ quan, cô Thuỳ ủng hộ việc giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh. Đây là một trong những phương pháp giúp học sinh củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng học bài khi ở nhà.
Đặc biệt, với những học sinh lực học còn chậm, hổng kiến thức thì việc yêu cầu làm bài tập về nhà giúp các em ôn lại, có ý thức học tốt hơn. Còn với học sinh khá, giỏi thì bài tập về nhà cũng sẽ giúp các em phát triển và mở rộng tư duy.
Tuy nhiên, cô cho rằng, giáo viên giao bài tập về nhà cần vừa phải, phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhất là các lớp đầu cấp 1, 2 không nên quá đặt nặng vấn đề giao và kiểm tra bài tập.
VTC