Xuất hiện nhóm rủ nhau ‘bùng’ nợ, nhân sự công ty tài chính bị dọa ngược
Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao. Gần đây còn xảy ra hiện tượng rủ nhau "bùng" nợ từ một bộ phận khách hàng sau các thông tin điều tra khởi tố đối tượng đòi nợ kiểu "khủng bố". Còn nhân viên thu hồi bị ảnh hưởng tâm lý khi bị đe dọa ngược từ khách hàng, lo lắng trước thông tin bắt bớ.
- 20-04-2023Nhiều nhân viên công ty tài chính nghỉ việc vì định kiến xã hội, khi nhắc nợ khách hàng còn bị đe dọa ngược lại
- 20-04-2023"Có 7 công ty tài chính bị cơ quan chức năng kiểm tra, hiện chưa có kết luận"
- 19-04-2023Sáu ngân hàng, công ty tài chính liên quan vụ đòi nợ thuê 1.000 tỷ ở Tiền Giang
Loạt vấn đề trên được ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) - đưa ra tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (25/4).
Tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao
Theo ông Lê Quốc Ninh, đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án. Lực lượng công an đã vào cuộc tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm đối tượng đòi nợ thuê. Tuy nhiên, cùng với việc tiến hành kiểm tra một số trụ sở, chi nhánh công ty tài chính được báo chí đưa tin dày đặc, hoạt động thu hồi nợ nói chung theo đó cũng bị ảnh hưởng.
“Nợ xấu tăng cao khi một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng là phạm pháp, có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần”, ông Ninh nói.
Việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp, tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao. Đặc biệt, gần đây còn xảy ra hiện tượng rủ nhau "bùng" nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm, theo ông Ninh.
Ông Ninh cho biết, hết quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12/2022 bị giảm 3,8%, nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.
Một thực tế khác theo ông Ninh là tình trạng nhân viên thu hồi nợ bị ảnh hưởng tâm lý, tỷ lệ nghỉ việc cao. “Họ bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin bắt bớ, điều tra… Tuyển dụng mới khó khăn hơn trước khi có định kiến xã hội về công việc này”, ông Ninh chia sẻ.
Tại tọa đàm, ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Khối Dịch vụ nghiên cứu thị Trường và tư vấn FiinGroup - chỉ ra các hành vi đòi nợ trái luật phổ biến hiện nay như: Gọi điện thoại chửi bới/đe dọa; gọi điện cho người thân/bạn bè, ghép hình/tung hình lên các mạng xã hội nhằm bôi xấu danh dự; đặt bình ga/bình xăng/quan tài; dọa giết…
“Cơ chế thu nhập khắc nghiệt của nhân viên thu hồi nợ khi lương cứng thấp, thu nhập chính từ hoa hồng được chia trên số tiền nợ đòi được. Vô hình chung, điều này đã thúc đẩy nhân viên dùng mọi phương thức/thủ đoạn để đòi nợ, kể cả vi phạm pháp luật”, ông Đồng cho biết.
Vậy các quốc gia khác thực hiện việc thu hồi nợ như thế nào? Ông Đồng cho biết, các nước kiểm soát thu hồi nợ rất chặt chẽ, nhiều nơi còn có luật riêng về thu hồi nợ. Còn ở Việt Nam lại khác, hoạt động thu hồi nợ đặt ngoài vòng pháp luật nên phát sinh rất nhiều vấn đề.
Món nợ vài triệu đồng, khó khả thi khởi kiện khi khách “bùng”
Đề xuất giải pháp gỡ khó khăn về thu hồi nợ, ông Lê Xuân Đồng - chuyên gia Fiingroup cho rằng, cần cân nhắc đưa dịch vụ đòi nợ thuê trở lại thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, hợp pháp để hỗ trợ cho hoạt động tài chính tiêu dùng, hoạt động mua bán nợ vay tiêu dùng và có cơ sở để xây dựng khuôn khổ pháp lý kiểm soát chặt chẽ.
Đồng thời, cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức, cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại).
Luật sư Phạm Văn Phất cho biết, vừa qua có hiện tượng kêu gọi, lập nhóm hàng nghìn người để “bùng" nợ. Đây là hành vi cần hình sự song theo ông Phất, bản thân các công ty tài chính không muốn “con nợ” phải đi tù vì khả năng thu hồi khó. Tuy nhiên hành vi lôi kéo “bùng” nợ theo ông Phất, cần được xử lý nghiêm.
Với giải pháp khởi kiện ra toà, ông Phất cho biết, khó khả thi với nhiều trường hợp khoản vay giá trị thấp. “Món nợ đôi khi chỉ có 3-4 triệu đồng. Nếu dưới 100 triệu thì nhiều chủ nợ rất ngại đem ra toà”, ông Phất nói.
Luật sư Phất chỉ ra thực tế, thời gian xét xử gây bất cập khi có thể kéo dài hàng năm 2-3 năm. “Cá biệt có vụ chúng tôi cầm bản án phúc thẩm, kéo dài đến 9 năm. Tại sao không giải quyết nhanh? Luật tố tụng dân sự quy định thủ tục rút gọn chỉ 1 tháng, nhưng chưa thấy tòa nào áp dụng dù đủ điều kiện, thậm chí người dân còn quên có cả thủ tục rút gọn”, ông Phất nêu vấn đề.
Về phía Bộ Công an, Thiếu tá Đào Đình Nam - Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, Bộ đã có nhiều giải pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, hệ thống các công ty tài chính về vấn đề tài chính tiêu dùng. Theo ông Nam, một giải pháp quan trọng được đưa ra đó là việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, theo ông Nam, Bộ đang phối hợp NHNN triển khai cung cấp xác minh danh tính, phối hợp hoạt động thu hồi nợ. Cụ thể, sẽ phối hợp công an địa phương xác minh danh tính phục vụ cho hoạt động trước cho vay. Theo đó, công dân đi vay bất kỳ ở đâu đều có thể nắm được, qua đó cung cấp phân loại cho các công ty tài chính đối tượng nào nên/không nên cho vay.
Ông Nam cũng cho biết, vừa qua Bộ Công an đã có nhiều chuyên án đấu tranh với tín dụng đen, các hoạt động đòi nợ bất hợp pháp. Đây là vấn đề nhức nhối, cần được xử lý nghiêm.
Tiền phong