Xuất hiện tình trạng trả mặt bằng ở những tuyến phố "vàng" với giá thuê 200-600 triệu đồng/tháng
Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin chào thuê nhà phố tại những tuyến đường “vàng”, tuyến đường chính ở TP.HCM.
- 18-04-2023Từ ngày 1/6, TP.HCM sẽ tăng phí làm hồ sơ nhà, đất
- 18-04-2023Bảo Lộc kiến nghị chấm dứt chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập ý tưởng siêu dự án 30.000ha do Novaland đề xuất
- 18-04-2023Tá hỏa phát hiện căn nhà bán gần 12 tỷ nhưng "cò" rao hơn 3 tỷ
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn chia sẻ, hiện nhiều nhà hàng rút lui khỏi con phố chính là nguyên nhân khiến số lượng mặt bằng trống trên các con phố chính.
“Gần như toàn bộ thị trường cho thuê đều sụt giảm và sự sụt giảm này đến từ sự thay đổi linh hoạt mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ của các nhà hàng lớn. Trước đây, họ tập trung lớn ở những tuyến đường lớn vừa bán hàng, vừa quảng cáo, chấp nhận chịu lỗ tại các vị trí này. Khi thắt chặt chi tiêu, những cửa hàng này sẽ có sự điều chỉnh đầu tiên.
Đó là lý do tại sao những con phố chính như Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế… hay những tuyến đường trước đây có giá thuê cao từ 200-600 triệu/tháng có tình trạng trả mặt bằng”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, hiện kỳ vọng về giá chào thuê của các chủ nhà tương đối cao. Nhìn vào biến động giá cho thuê trong 3-4 năm qua, giá cho thuê ở thời điểm hiện tại vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch. Ở các tuyến phố chính, chủ nhà vẫn giữ nguyên mức giá. Đặc biệt sau giai đoạn giá cho thuê giảm sâu 30-40% vào năm 2021, bây giờ là thời điểm các chủ nhà giữ nguyên giá thuê, thậm chí một vài thị trường tiếp tục tăng giá.
Vị này lấy dẫn chứng dù mức độ quan tâm giảm sút nhưng giá chào thuê ở một số nơi vẫn neo mức cao. Cụ thể, tại khu vực Phú Nhuận, mức độ quan tâm giảm 50% nhưng chủ nhà vẫn tiếp tục tăng giá 9%. Hay tại quận 3, nhu cầu tìm kiếm giảm 40% nhưng giá cho thuê vẫn tăng 13%. Quận 1 - khu vực đón rất nhiều khách du lịch ghi nhận sự sụt giảm nhu cầu 40% nhưng giá vẫn tăng 17%.
“Điều này cho thấy có sự lệch pha trong kỳ vọng của chủ nhà so với kế hoạch kinh doanh của những người thuê, đặc biệt trong thời điểm tăng trưởng GRDP của TP.HCM giảm rất mạnh, đánh mạnh trực tiếp vào nhóm dịch vụ”, ông Tuấn nhận định.
Xét về tỷ suất lợi nhuận cho thuê, vị này đánh giá ở TP HCM khoảng 3% (cao hơn mức 2,6% ở Hà Nội) và gần như tiệm cận so với thời điểm trước dịch. Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy giá thuê bắt đầu điều chỉnh, kéo theo sự điều chỉnh về giá bán. Dự báo xu hướng tỷ suất lợi nhuận cho thuê sắp tới có thể đi ngang hoặc tăng trưởng, phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng.
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản thương mại - bán lẻ trong quý 1, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, thị trường ghi nhận thực trạng một lượng lớn mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố lớn bị bỏ trống do giá chào thuê quá cao, tăng thêm 30-40% so với trước dịch, thậm chí có nơi còn tăng gấp đôi.
Nhịp sống thị trường