MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu 44 tỷ USD điện thoại và linh kiện Made in Vietnam trong 10 tháng, nhưng chủ lực lại là mặt hàng khác

Trong tháng 10, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện cũng tăng nhẹ trở lại với mức tăng 0,6%, đạt 5,2 tỷ USD. Nhưng tính chung 10 tháng, xuất khẩu mặt hàng này vẫn giảm 4,5%.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2020 ước tính đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 8,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 19,74 tỷ USD, tăng 0,8%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 tăng 9,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 23,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.

Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%). Trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 0,7%, chiếm gần 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,5%, chiếm 71,3%.

Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,76% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,9%.

Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: Trong tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản ước đạt 2,11 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 như: Thủy sản tăng 0,8%, cà phê tăng 3,6%, hạt tiêu tăng 16,8%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 14,2%, cao su tăng 6,7%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác lại giảm như: Rau quả giảm mạnh 22,2%, gạo giảm 22,5%, hạt điều tăng 13,9% về lượng nhưng giảm 2,4% về kim ngạch.

Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhóm hàng này ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 2,5%; rau quả giảm 12,5%; hạt điều giảm 3,4% (lượng tăng 11,5%); cà phê giảm 0,7% (lượng giảm 1,3%); hạt tiêu giảm 15,2% (lượng giảm 4,6%); cao su giảm 4,2% (lượng tăng 0,8%); chè các loại giảm 5,6% (lượng tăng 2,4%). Riêng mặt hàng gạo và sắn và các sản phẩm từ sắn có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, lần lượt tăng 8,2% và 1,9%.

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: kim ngạch xuất khẩu tháng 10 giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 191 triệu USD, giảm 55,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 48,6%; xăng dầu giảm 74,8%; dầu thô giảm 43,4%; quặng và khoáng sản khác giảm 47,9%.

Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng đóng vai trò đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng trong tháng 10/2020 với kim ngạch đạt 22,53 tỷ USD, tăng 9% so với tháng 10/2019. Trong đó, những mặt hàng ghi nhận đà tăng trưởng cao vẫn là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 58,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 11,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 25,1%; sắt thép các loại tăng 43%; điện thoại các loại và linh kiện cũng tăng nhẹ trở lại với mức tăng 0,6%... 

Ngược lại, nhóm hàng may mặc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2019, với sự sụt giảm 3,2% của hàng dệt và may mặc; giảm 21,6% đối với giày dép các loại; giảm 23,7% đối với túi xách, ví, vali, mũ, ô dù.

Trong 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2019 và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng chung với kim ngạch ước đạt 194,37 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 42%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,4%...

Trái lại, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 4,5%; hàng dệt và may mặc giảm 9,3%; giày dép các loại giảm 9,9%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù giảm 17,1%...

Trong 10 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14%. Thị trường EU đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3%. Thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, giảm 11,4%. Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD, giảm 2,6%. Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD, giảm 7%.

Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa. 

Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên