MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu ách tắc, người nuôi tôm hùm lao đao

22-11-2023 - 06:42 AM | Thị trường

Giá tôm hùm bông liên tục giảm mạnh trong mấy tháng trở lại đây khiến người nuôi đứng ngồi không yên. Nguyên nhân là phía Trung Quốc thay đổi quy định mới về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, khiến hoạt động xuất khẩu bị chậm lại.

Xuất khẩu ách tắc, người nuôi tôm hùm lao đao - Ảnh 1.

Giá giảm 40% vẫn bí đầu ra

Hơn 3 tháng nay, gia đình anh Nguyễn Tuấn Tiến ở Vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) sống trong thấp thỏm vì giá tôm hùm bông trên thị trường giảm hơn 40% so với năm trước. Anh Tiến cho biết, gia đình có khoảng 15 tấn tôm đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng hiện không có người mua.

Theo anh Tiến, loại tôm này rất kén khách, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, mấy tháng nay, thương lái cho biết, Trung Quốc có quy định mới yêu cầu không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2) khiến việc bán tôm hùm bông phục vụ xuất khẩu càng thêm khó khăn hơn.

“Lâu nay người dân nuôi tự phát nên việc yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc tôm hùm bông không phải do đánh bắt từ tự nhiên, người dân không biết làm thế nào nên giờ tôm không thể bán được”, anh Tiến nói.

Bà Trần Thị Tuyến (Khánh Hòa) cho biết, giá tôm hùm bông loại 3 (mỗi con nặng 500-800g) bán ra tại trại nuôi đang ở mức 950.000-1.000.000 đồng/kg; tôm loại 2 và loại 1 (mỗi con nặng 900g-1,2kg) có giá dao động 1.100.000 -1.250.000 đồng/kg tùy loại. Đối với tôm chết, khoảng 300.000-600.000 đồng/kg tùy loại.

Theo bà Tuyến, giá này đang thấp hơn khoảng 300.000-400.000 đồng/kg so với giá các tháng trước đó, và chỉ bằng phân nửa so với thời điểm giá cao. Với giá hiện nay, nhiều người nuôi tôm hùm bông có thể thua lỗ trung bình 250.000 - 400 đồng/kg bán ra tùy vào năng suất nuôi, tỉ lệ hao hụt.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 2.700 hộ nuôi tôm, trong đó khoảng 900 hộ nuôi tôm hùm bông với số lượng gần 100.000 lồng, tương đương 1.000 tấn. Hiện nay, tôm loại 1 cơ bản đã tiêu thụ được hơn 70%, còn tôm loại 2 dưới 1kg/con khoảng 150 tấn. Tổng sản lượng tồn còn khoảng 500 tấn.

Hiện tại, việc Trung Quốc thay đổi quy định mới đã khiến giá loại tôm này đang giảm mạnh và ùn ứ đầu ra. Người nuôi cần nuôi đa dạng các loại khác như tôm hùm xanh, cá biển để thay thế tôm hùm bông khi không đáp ứng được các yêu cầu…

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đơn vị vừa làm việc trực tuyến với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan việc xuất khẩu tôm hùm bông.

Theo đó, Trung Quốc cho biết, tháng 5 năm nay, nước này đã sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo tới các hải quan địa phương để thực hiện quy định trên khiến hoạt động xuất khẩu chậm lại.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong quy định mới này, các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm. Riêng thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây.

“Phía Trung Quốc thông báo sẽ gửi cho Việt Nam biểu mẫu đăng ký mới để tiến hành rà soát, thực hiện đăng ký với các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi nhận được danh sách đăng ký, Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan nước này”, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin.

Vị này cho biết, đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt cho 46 cơ sở bao gói tôm hùm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này. Tuy nhiên, so với số lượng trên thực tế còn rất nhỏ giọt nên các cơ sở cần chủ động tìm kiếm các thị trường mới và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước để giảm bớt áp lực.

Theo Xuân Phong

Tiền phong

Trở lên trên