MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhưng chịu nhiều áp lực

21-04-2022 - 16:09 PM | Thị trường

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhưng chịu nhiều áp lực

Xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh trong quý I/2022 nhưng dự báo sẽ phải chịu nhiều thách thức trong năm nay.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng 60%

Quý I/2022 là sự bứt phá của các mặt hàng nông sản. Nhiều mặt hàng không chỉ đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ mà còn góp mặt vào nhóm hàng "tỷ đô".

Kim ngạch xuất khẩu quý I đã vượt mục tiêu toàn ngành nông nghiệp đề ra hơn 2 tỷ USD và đạt 12,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp của nhóm mặt hàng chính như gạo, gỗ, thủy sản... Đặc biệt, cà phê đã bứt tốc với mức tăng trưởng trên 60%, mang về giá trị xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng gần 25% so với cùng kỳ là yếu tố giúp kim ngạch tăng mạnh như vậy. Đây cũng là giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê tính theo quý cao nhất từ trước đến nay của ngành hàng cà phê.

Cụ thể, ba tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 58.700 tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng hơn 28% về lượng và hơn 60% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường chính đều tăng như: Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Philippines. Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường Italy, Mỹ lại giảm.

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhưng chịu nhiều áp lực - Ảnh 1.

Ba tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 58.700 tấn, kim ngạch 1,3 tỷ USD. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.

Xuất khẩu cà phê chịu nhiều áp lực

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường cà phê toàn cầu chịu nhiều sức ép, giá cà phê đã có những biến động trái chiều. Điều này cũng đã tác động đến thị trường cà phê trong nước. Hiện giá cà phê tại thị trường trong nước đã giảm nhẹ, xuống khoảng 40.700 - 41.300 đồng/kg.

Nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng khá ảm đạm.

Thời điểm hiện tại, hàng loạt thông tin bất lợi đang đè nặng lên giá cà phê thế giới. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, giá cà phê robusta trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục chịu áp lực giảm giá.

"Sắp tới Indonesia và Brazil bắt đầu vào vụ mới, đời sống của người dân châu Âu do lạm phát nên đã bắt đầu điều chỉnh về chi tiêu. Tôi nghĩ rằng giá cà phê sẽ không tăng lại được mà giữ mức như hiện nay hoặc giảm tiếp", ông Lê Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk dự báo.

Hiện nay, tình hình tiêu thụ cà phê của các thị trường truyền thống như Nga, Trung Đông, Mỹ và châu Âu giảm mạnh. Vì vậy, các doanh nghiệp cà phê trong nước đang chuyển hướng sang thị trường châu Á. Với yếu tố đông dân, kiểm soát dịch hiệu quả và tình hình chính trị ổn định… châu Á sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp cà phê Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhưng chịu nhiều áp lực - Ảnh 2.

Từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường cà phê toàn cầu chịu nhiều sức ép, giá cà phê đã có những biến động trái chiều. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Cà phê Việt tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU

Việc đa dạng thị trường trong bối cảnh nào vẫn sẽ là hướng đi tích cực giúp Việt Nam mở rộng cơ hội cho nông sản. Không chỉ châu Á, các nước châu Âu cũng rất ưa chuộng cà phê Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê khởi sắc là do cà phê robusta của Việt Nam được khách hàng đánh giá cao, có sức cạnh tranh so với các nhà cung cấp lớn khác như Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, Colombia…

Các nước châu Âu như: Đức, Bỉ, Italy cũng rất ưa chuộng cà phê Việt Nam. Hai tháng đầu năm, 3 thị trường này nhập khẩu hơn 108.000 tấn cà phê của nước ta, tương đương 230 triệu USD.

Thị trường EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất, chiếm hơn 16% thị phần.

Đặc biệt, với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại đây là rất tiềm năng. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.

Theo các chuyên gia cà phê, để nhanh chóng tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam phải tổ chức sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn châu Âu; đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn.

Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm khách hàng của các ngân hàng Anh.

Theo Ban thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên