Lạm phát toàn cầu tăng làm giảm nhu cầu hàng hoá; gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu; chi phí sản xuất tăng là những khó khăn lớn trong hoạt động xuất khẩu từ nay tới cuối năm.
Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang được chứng tỏ qua mức tăng trưởng của nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tiếp tục tăng cao , số mặt hàng xuất khẩu tỷ USD giữ vững đà tăng trưởng giúp cán cân thương mại duy trì xuất siêu. Kết quả này là sự nỗ lực của các DN trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Trong những tháng cuối năm theo dự báo của Bộ Công Thương, sẽ xuất hiện một số yếu tố có thể tác động bất lợi đến kinh tế và thương mại của Việt Nam. Cụ thể, lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu; gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư và thương mại.
Ngoài ra, giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.