Xuất khẩu dệt may kỳ vọng cuối năm
Việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam là cơ hội tốt đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng.
- 20-09-2023Xuất khẩu dệt may đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
- 01-08-2023Nhiều quy định mới về xuất khẩu dệt may, da giày Việt Nam sang châu Âu
- 26-01-2023Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu 48 tỷ USD trong năm 2023
Ngành dệt may với khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN) và gần 3 triệu lao động, thuộc tốp 2 các ngành xuất khẩu trong nước và tốp 3 các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, dệt may cũng là một trong những nhóm hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khó khăn nhất trong 8 tháng vừa qua.
Nhiều thách thức
Theo thống kê của hải quan, hàng dệt may là 37/45 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 giảm, chỉ đạt 22,5 tỉ USD, giảm 3,8 tỉ USD (tương đương 14,4%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Mỹ giảm đến 22,4%; EU giảm 11,9%.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), phân tích kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam suy giảm trong thời gian qua là do nhiều yếu tố vĩ mô lẫn vi mô tác động. Trong đó, sự ảm đạm của thị trường toàn cầu, năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam bị sụt giảm, tỉ giá VNĐ/USD, lãi suất ngân hàng cao, chi phí logistics không được cải thiện... khiến hàng hóa Việt Nam trở nên kém cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu khác.
Ngành dệt may đang tích cực thay đổi và nỗ lực tìm kiếm đơn hàng trong những tháng cuối năm .Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chỉ ra rằng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn do lạm phát, bất ổn chính trị kìm hãm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
"Thị trường EU là ví dụ. Tháng 7-2023, xuất khẩu hàng dệt may vào EU đạt 2,3 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8 xuất khẩu giảm mạnh hơn, nhiều khả năng tháng 9 này sẽ tiếp tục giảm sâu. Nhiều nhãn hàng lớn như Decathlon, Nike, Adidas... đã giảm mạnh đơn hàng từ Việt Nam trong 8 tháng qua" - ông Giang nêu dẫn chứng.
Ông Giang nói thêm bên cạnh các vấn đề kinh tế, DN dệt may Việt Nam còn đối diện thách thức lớn liên quan đến phát triển bền vững. Theo đó, cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đều đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế; đây là những yêu cầu mà các nhãn hàng, nhà nhập khẩu đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải đáp ứng.
Đã có tín hiệu tích cực
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP HCM (VCCI TP HCM), cho biết mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 8 tháng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, tuy nhiên đã xuất hiện một số tín hiệu hồi phục và cơ hội phát triển. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 8-2023 đạt 3,4 tỉ USD cao nhất trong 11 tháng gần đây và là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục với kim ngạch tháng 8-2023 đạt 1,5 tỉ USD, tăng 2,3% so với tháng trước.
"Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua, việc hai quốc gia nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội tốt đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng. Để tận dụng tốt các cơ hội này trong thời gian tới, ngành dệt may cần tập trung nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và tăng cường sự chủ động và sáng tạo hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, mở rộng quan hệ đối tác, bạn hàng, thị trường..." - ông Liêm bày tỏ.
Kỳ vọng về đơn hàng những tháng cuối năm 2023, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, dẫn báo cáo của một số DN trong hiệp hội cho thấy tháng 10 và tháng 11 đã bắt đầu có đơn hàng.
"Tuy nhiên, số đơn hàng này chỉ đủ duy trì hoạt động của nhà máy và giữ chân người lao động. DN vẫn chưa tiếp cận được những khách hàng tiềm năng" - bà Trang cho hay. Theo bà Trang, trong bối cảnh khó khăn, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN và người lao động như hỗ trợ DN tiếp cận vốn, khách hàng, cũng như hỗ trợ tiền nhà trọ, xây nhà ở xã hội cho công nhân.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đã chủ động để tìm kiếm thêm các đơn hàng từ thị trường như Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Trung Đông... để tăng đơn hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của DN, tạo việc làm cho người lao động. "Từ quý III/2023, thị trường các đơn hàng đã dần quay trở lại và các DN tiếp tục duy trì các hoạt động cũng như tìm kiếm các công nghệ mới để hoàn thiện khâu sản xuất" - bà Duyên nói.
Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cũng cho hay trong bối cảnh khó khăn, nhà nước đã có nhiều sự hỗ trợ cho DN trong ngành như: tung các quỹ hỗ trợ cho người lao động (quỹ thất nghiệp, quỹ đào tạo việc làm hỗ trợ cho công nhân thất nghiệp, nhà máy đóng cửa...).
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035". Theo đó, mục tiêu tổng quát phát triển ngành dệt may và da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu.
Thay đổi để phục hồi
Trao đổi về giải pháp giúp DN giữ chân khách hàng, khôi phục đà tăng trưởng cho xuất khẩu dệt may, chủ tịch VITAS cho biết 3 yếu tố cốt lõi để DN có được đơn hàng là giá cạnh tranh, chất lượng ổn định và tiến độ giao hàng. Trước mắt, tiêu chuẩn "xanh" là điểm cộng để DN tiếp cận và giành thế chủ động trong thương thảo hợp đồng.
Hiện tại, nhiều DN, tập đoàn lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến... đều đã đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu mới. Tuy nhiên, các DN quy mô nhỏ, tài chính hạn chế sẽ khó có cơ hội chuyển đổi. "Có 3 vấn đề cốt lõi DN cần tập trung thực hiện. Một là, phải tìm giải pháp giữ chân người lao động, đặt biệt là lực lượng lao động nòng cốt thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Hai là, tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ không phải thế mạnh, không có lãi để giữ việc làm cho người lao động, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài với khách hàng; khai thác thị trường mới, quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Ba là, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của DN" - ông Giang khuyến nghị.
Người lao động