MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu đồ gỗ, dệt may nhiều triển vọng

Vượt qua cú sốc tăng trưởng âm trong năm 2023, hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực vào đầu năm 2024.

Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh trở lại, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đồ gỗ và dệt may đang rất nỗ lực đưa nhịp tăng trưởng này ổn định, dài hơi hơn.

Tín hiệu lạc quan trở lại

Thông tin về tình hình hoạt động ngành công thương TP HCM quý I/2024 mới đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, báo tin vui là nhiều DN lĩnh vực đồ gỗ, dệt may đã có đơn hàng đến giữa năm. Cá biệt, một số DN có đơn hàng ổn định đến cuối năm.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP HCM, cũng cho biết xuất khẩu của ngành gỗ đang tăng trưởng mạnh với nhiều tín hiệu phục hồi tốt. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1-2024 đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Những thị trường mới nổi có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất tốt là Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy tăng 52%, Campuchia tăng 45%, Trung Quốc tăng 7%...

Sau thời gian thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa vì thiếu đơn hàng, một số DN đã có hợp đồng xuất khẩu đủ cho cả năm 2024. Ông Lê Hà Trọng Châu, đại diện Công ty TNHH Đức Thiện, cho biết đơn hàng xuất khẩu đã có đủ đến hết tháng 6-2024. Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của công ty chủ yếu là Mỹ, mỗi tháng 10-15 container, doanh thu từ 1-1,2 triệu USD.

Công ty TNHH Minh Phát 2 có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý I/2024. Công ty CP Phát triển SX-TM Saigon Sadaco thì đang ổn định các đơn hàng truyền thống xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu…

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, lạm phát tại 2 thị trường quan trọng là Mỹ và châu Âu đã giảm, cung - cầu cân bằng trở lại. Nhiều khả năng 2 thị trường này sẽ tăng tốc nhập khẩu mạnh từ quý III/2024. Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,5 tỉ USD.

Doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tăng tốc để phục hồi tăng trưởng xuất khẩu Ảnh: THANH NHÂN

Doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tăng tốc để phục hồi tăng trưởng xuất khẩu Ảnh: THANH NHÂN

Đối với lĩnh vực dệt may, nhờ đơn hàng và khách hàng ổn định, một số DN đã có lãi lớn ngay trong tháng đầu năm 2024. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG lãi sau thuế hơn 15 tỉ đồng trong tháng 1-2024, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Ngay từ đầu năm 2024, TNG đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty May Saigon 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (Agtex) - xác nhận một số DN dệt may tại TP HCM đã có đơn hàng đến cuối năm. "Sau Tết, các DN cố gắng tối đa để có đơn hàng, bảo đảm việc làm cho công nhân đồng thời tìm kiếm đơn hàng, khách hàng mới. Hy vọng đến quý II/2024, tình hình sẽ tích cực hơn nữa" - ông Hồng bày tỏ.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thông tin trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Phi, Trung Đông tăng trưởng tốt hơn; riêng thị trường châu Âu tăng còn khiêm tốn. 

"Sức mua có dấu hiệu phục hồi ở nhiều nước, lượng hàng tồn kho giảm. Ngoài ra, thuế nhập khẩu ở một số thị trường đã giảm theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs)" - ông Giang nêu cơ sở cho việc xuất khẩu dệt may phục hồi.

Trước xu hướng đơn hàng tăng trở lại cùng triển vọng phục hồi kinh tế thế giới, ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Linh hoạt vượt khó

Theo các DN, mặc dù tín hiệu đầu năm khá lạc quan nhưng chưa mang tính bền vững. Nhiều DN đang nỗ lực mở rộng thị trường mới, đa dạng kênh bán hàng để bảo đảm chỉ tiêu cả năm.

"Xuất khẩu sản phẩm từ gỗ đang tốt nhưng dự báo thị trường còn nhiều khó khăn. Đơn hàng quay trở lại nhưng nhiều khách hàng yêu cầu làm hàng mẫu nhiều hơn trước, yêu cầu cao hơn, đơn hàng nhỏ hơn và giá không cao. 

Bản thân khách hàng cũng đang mày mò tìm thị trường mới và có sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu" - ông Trần Quốc Mạnh phân tích. Theo ông, các DN cần linh hoạt thích nghi với tình hình mới và có chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp.

Từ kinh nghiệm của DN mình, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, cho rằng DN cần tập trung vào những thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường mới nổi là Trung Quốc. "Việt Nam và Mỹ đã ký kết hiệp định đối tác chiến lược toàn diện. DN nên tận dụng cơ hội này để tiếp cận các nhà nhập khẩu Mỹ" - ông Hiệp gợi ý.

Chủ tịch Vitas dự báo xuất khẩu dệt may năm nay có triển vọng tốt nhờ 3 trụ cột chính, gồm: 16 FTA Việt Nam đã ký, Việt Nam chủ động được một số nguyên phụ liệu trong nước và DN đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng. Trước năm 2021-2022, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sang 82 thị trường; đến năm 2023 xuất khẩu sang 104 thị trường và năm nay có thể khai thác thêm 2-3 thị trường ngách nữa.

"Các DN không còn phụ thuộc quá nhiều vào vài khách hàng lớn mà khai thác các khách hàng vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, DN sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau chứ không chuyên môn hóa như trước đây" - ông Vũ Đức Giang dẫn chứng.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, nhìn nhận trong giai đoạn này, việc mở ra kênh cho DN tiếp cận đơn hàng là quan trọng. Theo ông, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng tiếp tục lựa chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng, cho thấy DN Việt có thế mạnh nhất định trong lĩnh vực dệt may.

Ông Tài cho rằng cơ hội sẽ gia tăng đối với những DN biết tận dụng tất cả ưu thế để phục hồi năng lực xuất khẩu, khai thác triệt để các chuỗi phân phối, chuỗi cung ứng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa đơn hàng, tìm kiếm đơn hàng nhỏ hơn… 

Cần có quyết tâm mạnh mẽ

Theo ông Lê Hoàng Tài, việc nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang nước ta, cộng với việc Việt Nam là thành viên của 16 FTA tiếp tục là những nền tảng tích cực cho sự phát triển của ngành dệt may trong thời gian tới.

"Định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Tới năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ các sản phẩm thương hiệu Việt. Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các DN trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số, sử dụng nguyên liệu tái chế..." - ông Tài nhấn mạnh.

Theo Thanh Nhân - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên