Xuất khẩu gạo: Đến thời gặp khó!
Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4 cả nước xuất khẩu được khoảng 1,78 triệu tấn gạo, tổng trị giá kim ngạch đạt 792,7 triệu USD, giảm lần lượt 10% về sản lượng và 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
- 11-05-2017Nông dân và doanh nghiệp cần đi “cùng thuyền” trong xuất khẩu gạo
- 10-05-2017Có thể cho xuất khẩu gạo vô điều kiện
- 26-04-2017Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo
Hiện, thị trường xuất khẩu gạo vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á như Phippines, Malaysia…
Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm gần 46% tổng sản lượng xuất khẩu cả nước và 47,4% về trị giá kim ngạch.
Trong khi đó, Philippines chiếm gần 13,3% về sản lượng và gần 11,4% về trị giá; Malaysia chiếm gần 4,7% về sản lượng và gần 4,3% về trị giá…
Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu gạo thời gian tơi sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam… đều bước vào mùa thu hoạch.
Mặt khác, theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), các thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam đều đang đưa ra những chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu như Trung Quốc giảm nhập khẩu cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, Philippines tạm dừng nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước… Đây là những thông tin hết sức bất lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta.
Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào một số ít thị trường, nhất là ở thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc lại chủ yếu xuất khẩu qua hình thức tiểu ngạch nên thương nhân Việt Nam luôn ở thế bị động và dễ bị ép giá, đây cũng là một điểm yếu trong hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo theo mục tiêu, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo năm 2017.
Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của các thị trường nhập khẩu để kịp thời hướng dẫn, tuyên tuyền đến các địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt kịp thời lượng gạo hàng hóa theo từng thời kỳ, mùa vụ, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ lúa gạo, kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm có lãi cho người trồng lúa.
Một trong những động thái cụ thể nhằm “giải cứu” mặt hàng gạo là việc Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh gạo, với nhiều thay đổi cơ bản theo hướng tháo bỏ rào cản, cởi trói cho doanh nghiệp xuất khẩu như bỏ điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay xát, quy định về giá sàn, hợp đồng tập trung...
Báo hải quan