MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo: Đích còn xa

30-07-2016 - 15:45 PM | Thị trường

Trầm lắng, ảm đạm là thực tế XK gạo đã diễn ra trong những tháng qua. Tình hình này có lẽ sẽ còn kéo dài khi nhu cầu NK của các thị trường truyền thống chưa phát đi tín hiệu mua, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu XK hơn 6 triệu tấn gạo năm 2016.

Người mua còn chần chừ

Chỉ nói riêng về thương hiệu gạo, trên thế giới có nhiều thương hiệu gạo đã thành danh như: Jasmines, Khaodakmali của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ và Pakistan... và khi nói đến một thương hiệu gạo nào đó thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến nước sản xuất như: Thái Lan, Ấn Độ...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo tại thị trường trong nước và quốc tế. Các thương hiệu sản phẩm gạo đã góp phần giúp DN mở rộng thị trường, được các bạn hàng trong và ngoài nước biết đến, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Do vậy việc xây dựng thương hiệu lúa gạo là rất quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước với DN, hiệp hội và người nông dân.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Sáu tháng trôi qua, XK gạo của Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng trầm lắng khi chỉ XK được 2,656 triệu tấn, trị giá 1,197 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 6,9% về trị giá. Tháng 6 là tháng XK được ít nhất, chỉ đạt 325.862 tấn, trong khi các tháng còn lại đều là trên 400.000 tấn, có tháng còn lên tới gần 600.000 tấn.

Nhìn tổng thể, XK gạo liên tục có những thay đổi từ đầu năm đến nay. Nếu XK gạo có mức tăng trưởng tốt trong quý I thì sang quý II đã có sự sụt giảm đáng kể. Chỉ tính riêng tháng 1, gạo là một điểm sáng XK trong số nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản XK của Việt Nam, đạt 488.271 tấn, với giá trị đạt 216,56 triệu USD, tăng 49,95% về khối lượng và tăng 41,33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Sự tăng trưởng đột biến này xuất phát từ nhu cầu NK của thị trường Philippines, Indonesia tăng.

Tuy nhiên, bước sang tháng 3, tình hình đã có sự đảo chiều, XK gạo quay đầu lao dốc. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thời điểm đó đã ra thông báo nhiều thị trường chính của XK gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines… đã rút lại kế hoạch NK gạo trong thời gian tới khiến gạo Việt lỡ nhiều hợp đồng lớn. Chính vì thế, kim ngạch XK gạo giảm dần từ tháng 4 cho đến nay.

Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng có mức giảm đáng kể. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc 6 tháng đạt 912.076 tấn, trị giá 420,193 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và 11% về trị giá. Thị trường Philippines cũng có mức giảm đáng kể 45% về lượng so với cùng kỳ khi chỉ đạt 193.435 tấn. Thời điểm hiện tại, nhu cầu mua gạo của nhiều thị trường còn chưa rõ ràng, việc Thái Lan xả hàng cũng tác động không nhỏ đến tín hiệu mua hàng của nhiều nước. Ngày 25-7 tới, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ mở thầu để bán tổng cộng 3,7 triệu tấn gạo, với nỗ lực giảm số lượng gạo tồn trữ trong các kho chứa trên toàn nước này còn khoảng 6 triệu tấn.

Bù lại, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng gạo thơm XK tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 31% trong cơ cấu XK gạo, do tăng sản lượng cũng như tăng XK vào châu Á và châu Phi. Gạo nếp tăng đột biến do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ Trung Quốc. Riêng gạo Japonica cũng có sự tăng trưởng mạnh trên 41% mặc dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cửa hẹp

Như vậy, ngoài những yếu tố hạn hán, xâm nhập mặn và chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các thị trường thì XK gạo còn nhược điểm nữa là phụ thuộc vào tín hiệu mua của thị trường. Theo dự báo của VFA, sự trầm lắng của thị trường sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi các thị trường lớn của gạo Việt Nam công bố chưa vội NK gạo. Những thị trường tập trung của gạo Việt Nam chưa thấy dấu hiệu sẽ sớm NK thêm gạo trong tương lai gần, đặc biệt tại các thị trường truyền thống của Việt Nam ở Đông Nam Á.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) dẫn chứng, thị trường Indonesia, Philippines trước đây có công bố chỉ tiêu NK 500.000 tấn nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. Trong khi đó, thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm gần 35% lượng gạo XK của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm), sức mua hiện đang giảm, nhu cầu NK cũng chập chờn khiến cho công tác dự báo khó khăn. Với điều kiện này, VFA đã buộc phải hạ chỉ tiêu XK gạo trong năm 2016 xuống còn 5,65 triệu tấn thay vì 6,5 triệu tấn như dự báo trước đó. Đây là lần đầu tiên XK gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn kể từ năm 2009 đến nay.

Không chỉ DN, VFA lo lắng cho tình hình XK gạo, mà lãnh đạo Bộ Công Thương cũng sốt ruột và đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng này. Cuối tháng này, Bộ Công Thương sẽ nghị bàn về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành gạo và mời lãnh đạo Chính phủ chủ trì. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, phía Bộ Công Thương đang tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại để ổn định XK gạo sang Trung Quốc, tiếp tục trao đổi khả năng ký Bản ghi nhớ giữa 2 nước về thương mại gạo, đề nghị Trung Quốc thực hiện kiểm tra theo phương thức lấy mẫu ngẫu nhiên và sớm công bố chính thức các DN Việt Nam đủ điều kiện XK gạo vào Trung Quốc.

Mặt khác, Bộ Công Thương còn giao nhiệm vụ cho Thương vụ Việt Nam tại Indonesia theo dõi, cập nhật nhu cầu NK gạo của nước này và đề nghị Bộ Thương mại Indonesia nhanh chóng bổ sung đầu mối thực hiện bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa 2 nước và chuẩn bị phương án đàm phán gia hạn bản ghi nhớ này (hết hạn vào cuối năm 2017).

Tại hội nghị sơ kết công tác XK gạo 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 do VFA tổ chức, vấn đề thương hiệu và chất lượng của ngành lúa gạo Việt Nam là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Các DN cho rằng, bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu, ngành lúa gạo Việt Nam phải đồng thời giải quyết triệt để vấn đề dư lượng hóa chất trong sản xuất gạo thì mới có thể phát triển bền vững trong thời gian tới. Chất lượng gạo chưa ổn định cũng là lý do đến nay gạo Việt Nam khó xâm nhập được vào các thị trường cao cấp như châu Âu và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nhiều DN kinh doanh trong ngành hiện nay còn “đấu đá,” cạnh tranh lẫn nhau để tăng lợi nhuận nên ảnh hưởng tới chất lượng gạo. Tình trạng “trộn gạo” giữa những loại gạo có hình thức tương tự nhau xảy ra ở một số DN có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, gây bất lợi cho XK gạo Việt Nam. Do đó, Bộ NN&PTNT và VFA cần đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu.

Theo Phan Thu

Hải quan

Trở lên trên