MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh khi thế giới lo ngại cơn ‘sốt’ giá không sớm hạ nhiệt

23-02-2024 - 11:01 AM | Thị trường

Thị trường gạo thế giới nóng lên ngay từ đầu năm khi Ấn Độ mới đây một lần nữa gia hạn áp thuế xuất khẩu gạo đồ và giá gạo của nước này tiếp tục tăng lên kỷ lục cao mới.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh khi thế giới lo ngại cơn ‘sốt’ giá không sớm hạ nhiệt- Ảnh 1.

Theo đó, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ hôm 21/2/2024 đã gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, có hiệu lực trong thời gian không xác định (dự kiến tới 31/3/2024) để ngăn chặn bất cứ khả năng tăng giá nào trên thị trường trong nước trước cuộc tổng tuyển cử.

Lạm phát giá thực phẩm của Ấn Độ tháng 1/2024 là 8,3%. Chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày bầu cử. Do đó, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lo lắng giá thực phẩm tăng cao, vốn chiếm khoảng một nửa rổ giá tiêu dùng của nước này.

Lo lắng của Chính phủ Ấn Độ không phải không có cơ sở. Với tình trạng nguồn cung thắt chặt và nhu cầu cải thiện, giá gạo Ấn Độ tuần này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, với gạo đồ 5% tấm tuần này có giá 546-554 USD/tấn, tăng so với mức 542-550 USD của tuần trước. Mặc dù giá gạo Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng nhiều khách hàng vẫn lựa chọn mua bởi dù tăng nhưng giá gạo Ấn Độ vẫn rẻ hơn các xuất xứ khác, khi mà gạo cùng loại của Thái Lan có giá 615 USD/tấn, trong khi của Việt Nam giá 625-630 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh khi thế giới lo ngại cơn ‘sốt’ giá không sớm hạ nhiệt- Ảnh 2.

Căng thẳng trên thị trường gạo thế giới, bắt đầu từ khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, dường như chưa sớm kết thúc, khi giá gạo tại nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng vẫn tiếp tục tăng, bất chấp dự trữ của họ tăng lên.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), giá gạo trên thị trường này trong tháng 1 năm 2024 tăng vọt bất chấp tồn kho tăng. Theo đó, giá bán buôn gạo xay loại thường trung bình tháng 1/2024 ở mức 46,60 peso/kg, tăng 1,7% so với mức 45,83 peso/kg của tháng 12. So với cùng kỳ năm trước, mức giá đó cao hơn 32,7%, với mức giá trung bình vào tháng 1 năm 2023 chỉ là 35,11 peso mỗi kg. Tương tự, giá bán buôn gạo xay kỹ trung bình tăng 1,5% lên 49,96 peso/kg và cao hơn 28,6% so với mức 38,28 P/kg vào tháng 1 năm 2023.

Tổng dự trữ gạo của nước này đã tăng 6,9% tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2024, đạt 2,03 triệu tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, khi dự trữ đạt 1,85 triệu tấn. Gần một nửa số gạo dự trữ nằm ở các hộ gia đình hoặc trong kho của nông dân, với lượng dự trữ hộ gia đình đạt tổng cộng 1 triệu tấn và lượng gạo dự trữ thương mại do các thương nhân và nhà nhập khẩu nắm giữ ở mức 978.000 tấn.

Indonesia cũng ráo riết nhập khẩu gạo từ năm ngoái và hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm tốc. Năm 2024, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) được cấp hạn ngạch 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên chính phủ nước này quyết định cho nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo để dự phòng những khi cần sử dụng ngay.

Trước đó, vào ngày 29/1, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) đã mở thầu mua 500.000 tấn gạo 5% tấm, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đã thắng khoảng 351.100 tấn.

Bangladesh hồi đầu tháng này cũng giảm thuế nhập khẩu gạo từ 63% xuống 15%, và có thể sẽ nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm 2023/24 để hạ nhiệt giá gạo trong nước – đã liên tục tăng mặc dù những vụ thu hoạch lúa trong nước gần đây đạt sản lượng cao.

Đợt sốt gạo lần này trên thị trường thế giới, ngoài lý do bởi Ấn Độ sắp bầu cử, thì nguyên nhân sâu xa là do yếu tố thời tiết, khi những lo ngại về thời tiết khắc nghiệt và thiếu mưa do El Niño gây ra đe dọa sản lượng vụ mùa 2023-2024 của Châu Á và. Cụ thể, điều kiện khô hạn hơn do hiện tượng khí hậu mang tính chu kỳ dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng.

Nhiều loại cây trồng, đặc biệt là những cây phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, bị ảnh hưởng nặng nề bởi El Niño. Hiện tượng này tác động đáng kể đến nguồn cung gạo toàn cầu, không chỉ ảnh hưởng đến Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Ví dụ, Chính phủ Thái Lan gần đây xác nhận rằng sản lượng lúa sẽ giảm khoảng 6% trong niên vụ 2023-24 do thời tiết khô hạn. Trong khi đó, S&P Global Commodity Insights mới đây cũng lưu ý rằng sản lượng lúa gạo giảm trong mùa Kharif 2023-24 của Ấn Độ do điều kiện thời tiết khô hạn do hiện tượng thời tiết El Niño gây ra và việc gieo xạ vụ rabi bắt đầu muộn.

Tùy viên Bộ Nông nghiệp Mỹ phụ trách theo dõi thị trường Ấn Độ đã dự báo tổng sản lượng gạo của nước này đạt 128 triệu tấn trong năm marketing 2023-24 (tháng 10 đến tháng 9) so với 135,5 triệu tấn của niên vụ trước.

Trên thực tế, việc xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm có thể được bù đắp một phần bởi xuất khẩu tăng từ các nhà sản xuất gạo lớn khác. Chẳng hạn như các báo cáo gần đây đã ghi nhận sự gia tăng xuất khẩu từ Việt Nam - nhà xuất khẩu lớn thứ ba và nhà sản xuất lớn thứ năm thế giới – sau các hạn chế của Ấn Độ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nước nhập khẩu.

Theo dữ liệu hải quan của Việt Nam, Việt Nam đã xuất khẩu 4,6 tỷ USD gạo vào năm ngoái, cao hơn 35% so với mức năm 2022. Sản lượng gạo Việt Nam năm 2023 cũng được đẩy tăng 1-2% so với mức của năm 2022 lên hơn 43 triệu tấn.

Năm 2024, ngay từ đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng rất mạnh. Cụ thể, tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023, theo thống kê của Tổng cục Hải quan.

So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo tháng 1/2024 tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá.

Tuy nhiên, với việc Ấn Độ chiếm 40% tổng xuất khẩu gạo của toàn cầu, việc nước này gần như hạn chế hoàn toàn xuất khẩu gạo khiến cán cân cung – cầu gạo thế giới vẫn nghiêng về sự thiếu hụt.

Ngân hàng Thế giới dự kiến giá gạo sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024, do “mối đe dọa từ El Niño, phản ứng chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo quan trọng cũng như sự tập trung về mặt địa lý và thị trường của sản xuất và xuất khẩu gạo”.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), trong năm 2024, El Niño “sẽ ảnh hưởng đến lượng mưa ở nhiều nước châu Á, gây ra hạn hán hoặc lũ lụt cực đoan và do đó ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp”, và những cú sốc như vậy dự kiến sẽ “nghiêm trọng hơn nhiều ở các quốc gia có nông nghiệp” chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP.

Và mặc dù kiểu khí hậu có tác động cực mạnh này dự kiến sẽ suy yếu vào khoảng tháng 4, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo hiện tượng thời tiết El Niño-Dao động phương Nam (ENSO) sẽ diễn ra mạnh mẽ từ tháng 5 đến tháng 7, khiến giá gạo khó có thể giảm bớt trước năm 2025.

Tham khảo: I nternationalbanker 

Vân Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên