MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc ngay từ đầu năm

23-02-2021 - 07:16 AM | Thị trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiện giá tiêu trên thị trường đã tăng lên khoảng 1.000 đồng/kg và được dự báo sẽ không giảm trong thời gian tới.

Trước Tết, giá hạt tiêu đen trong nước ổn định ở mức 51.000 – 53.000 đồng/kg, nhưng đến ngày 22/2 giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên và miền Nam giao dịch ở mức 52.000 – 54.500 đồng/kg.

Giá đã tăng mạnh 1.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh. Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cao nhất 54.500 đồng/kg, giá thấp thất tại Gia Lai, các tỉnh còn lại quanh mức 52.500 – 53.500 đồng/kg. Trong tuần qua, giá tiêu tăng 500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Đồng Nai; giữ nguyên ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước Tết giá tiêu ở mức thấp do đầu tháng 2/2021 rơi vào thời gian nghỉ tết Nguyên đán nên thị trường hạt tiêu trong nước khá trầm lắng, gần như không có hoạt động mua bán, chỉ có tỉnh Đắk Nông thu hoạch khoảng 20%, trong khi người dân bán cầm chừng. Lực mua yếu do các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thỏa thuận với các nhà nhập khẩu về việc hoãn giao hàng do giá cước tàu tăng quá nhanh trong thời gian qua.

Giới kinh doanh hồ tiêu dự báo, giá tiêu tuần này vẫn có triển vọng tăng lên 55.000 đồng/kg, do các nhà đầu cơ tăng mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh. Với đà tăng này, nhiều người dự đoán mốc 60 triệu đồng/tấn sẽ không còn xa.

"Đang đà tăng giá, thị trường nội địa được dự đoán có triển vọng tăng lên 55.000 đồng/kg, do các nhà đầu cơ tăng mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh. Với đà này, mốc 60 triệu đồng/tấn sẽ không còn xa", một chuyên gia nhận định.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trong 15 ngày đầu tháng 2/2021 đạt 6.533 tấn, trị giá 19,288 triệu USD, cộng dồn từ ngày 1/1 - 15/2/2021 đạt 23.417 tấn, trị giá 67,923 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 7,6% về khối lượng, nhưng tăng 13,06% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 1/2021 ước đạt 2.833 USD/tấn, tăng 2,4% so với tháng 12/2020 và tăng 16,2% so với tháng 1/2020.

Giá tiêu tăng nhờ các thị trường xuất khẩu chính kiểm soát được dịch Covid-19

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đầu năm 2021, xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố là những thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam dần ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên tiêu thụ tăng lên, cho dù đến hiện tại tình trạng thiếu container vẫn còn nhưng đó không phải là yếu tố quyết định lớn đối với xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

"Với tình hình như hiện nay giá tiêu sẽ không tăng mạnh nhưng xuống giá như trước đây cũng khó. Việt Nam đang thu hoạch tiêu nhưng giá tiêu tăng cho thấy nhu cầu thị trường đang có. Theo khảo sát của VFA, năm 2021 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm trên dưới khoảng 25%.

Có 2 nguyên nhân khiến sản lượng hồ tiêu giảm sâu: Giá tiêu năm qua quá thấp nên bà con nông dân không muốn đầu tư vào các vườn tiêu. Biến đổi khí hậu khiến đã tác động lên các diện tích trồng tiêu làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng hồ tiêu", ông Hải nhận định.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020 cả nước xuất khẩu 285.292 tấn hạt tiêu, trị giá 660,57 triệu USD, giá trung bình 2.315,4 USD/tấn, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 7,5% về kim ngạch và giảm 7,8% về giá so với năm 2019.

Riêng tháng 12/2020 xuất khẩu 20.742 tấn, tương đương 57,4 triệu USD, giá trung bình 2.503,9 USD/tấn, tăng trên 5% cả về khối lượng và kim ngạch so với tháng 8/2020.

Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại hạt tiêu của Việt Nam đạt 55.765 tấn, tương đương 660,57 triệu USD, giá 2.315,4 USD/tấn, chiếm 20% trong tổng lượng và chiếm 21,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước, tăng 8,2% về lượng và tăng 1,1% so với năm trước, giá giảm 6,6%.

Xuất khẩu hạt tiêu sang EU chiếm 12,5% trong tổng lượng và chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch, đạt 35.641 tấn, tương đương 100,51 triệu USD, tăng 4,4% về lượng, giảm 2% về kim ngạch, giá giảm 6%, đạt 2.820 USD/tấn.

Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á giảm 3,7% về lượng và giảm 6,6% kim ngạch năm 2019, đạt 18.998 tấn, tương đương 46,41 triệu USD.

Bước sang năm 2021, theo VPA, sản lượng tiêu có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn.

Cụ thể, tại huyện Bù Đốp (Bình Phước) giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu già chiếm phần lớn diện tích. Tại Đắk Nông, nơi được xem là khu vực có diện tích tiêu lớn nhất cả nước năng suất giảm 15 - 20%. Đặc biệt tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), tỷ lệ tiêu chết không dưới 50%.

Theo các chuyên gia, mặc dù diện tích sụt giảm nhưng giá tiêu trong năm 2021 khó tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến các nhà hàng phải đóng cửa kéo theo nhu cầu giảm mạnh. Thêm vào đó, doanh nghiệp hiện vẫn đang thiếu container rỗng để xuất hàng đi, giá cước tăng cao nên tình hình càng khó khăn hơn. Ngoài ra, các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá. Chủ tịch VPA đưa ra là giá tiêu trong năm 2021 có thể chỉ đạt khoảng 54.000 - 55.000 đồng/kg, cao nhất đạt khoảng 60.000 đồng/kg.

Theo Nguyễn Huyền

Bizlive

Trở lên trên