Xuất khẩu khó khăn, Navico dự kiến giảm lãi 35%
Sau năm 2022 đạt doanh thu kỷ lục gần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 700 tỷ đồng, đến năm 2023, CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) đặt kế hoạch doanh thu ở mức 5.200 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022. Song, lãi trước thuế ở mức 500 tỷ đồng, giảm 35%.
- 10-03-2022VDSC: Căng thẳng giữa Ukraine - Nga có thể mang lại lợi ích cho các công ty cá tra xuất sang Trung Quốc như Vĩnh Hoàn, Navico, I.D.I
- 02-07-2021Là hai đơn vị được hưởng mức thuế 0 USD/kg khi xuất sang Mỹ trong đợt POR16, Vĩnh Hoàn và Navico sẽ hưởng lợi như thế nào?
- 21-01-2021Navico (ANV): Lợi nhuận 2020 giảm xuống còn 240 tỷ, song vẫn vượt 20% kế hoạch
Tài liệu ĐHĐCĐ của Navico cho biết mục tiêu, chiến lược sản xuất năm 2023 là tích cực đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó, tìm kiếm thêm khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện hữu. Duy trì năng lực sản xuất, cải thiện kỹ thuật nuôi trồng và chế biến thủy sản để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, ổn định, giá cả hợp lý.
Navico đặt kế hoạch doanh thu ở mức 5.200 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022. Song, lãi trước thuế ở mức 500 tỷ đồng, giảm 35% so cùng kỳ.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Nam Việt sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tổng số tiền trả cổ tức là 133 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức 2023 dự kiến không đổi 10% bằng tiền.
Ngoài ra, Nam Việt sẽ trình ĐHĐCĐ phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ thực hiện là 1:1. Công ty dự kiến phát hành 133 triệu cổ phiếu, tổng giá trị tính theo mệnh giá là 1.331 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2022, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022.
Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành tăng từ 1.335 tỷ đồng lên mức gần 2.667 tỷ đồng.
Theo báo cáo, năm 2022, Navico đạt doanh thu thuần 4.897 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 79%, khoảng 3.861 tỷ đồng.
So với doanh thu và lãi trước thuế kế hoạch 2023, hết quý I, cả hai chỉ tiêu này đều thực hiện được ở mức 22%.
Cụ thể, doanh thu thuần quý 1 của Nam Việt đạt 1,155 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, do giá bán giảm, sản lượng bán giảm và ảnh hưởng giá nguyên liệu thức ăn và giá cá nguyên liệu tăng. Giá vốn tăng 11% lên mức 952 tỷ đồng, dẫn đến lãi gộp còn 203 tỷ đồng, giảm 43%.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính Navico tăng mạnh 51% lên 36 tỷ đồng, với phần lớn là chi phí lãi vay (đạt 33 tỷ đồng, tăng 48%).
Quý I, lãi trước thuế đạt 108 tỷ đồng Lãi ròng đạt 92 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Tính tới ngày 31/03/2023, quy mô tài sản của Nam Việt xấp xỉ 5,713 tỷ đồng (tăng 4% so với đầu năm). Gần 47% trong số đó là hàng tồn kho, ở mức 2,666 tỷ đồng (tăng 14%).
Nợ phải trả là 2.679 tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 1.793 tỷ đồng, chiếm gần 75% và tăng nhẹ 1% so với đầu năm.
Ngành thuỷ hải sản loay hoay vượt khó
Trước đó, như Nhadautu.vn đã đưa tin, một "ông lớn" khác trong ngành thuỷ sản là Vĩnh Hoàn cũng đang loay hoay thoát lỗ, trong bối cảnh thị trường mang nhiều biến động.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chính trong 5 tháng đầu năm nay đều giảm từ 10-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, cá tra giảm sâu nhất (-40%), tôm giảm 34%, cá ngừ giảm 31%, mực bạch tuộc giảm 12%. Tuy nhiên, vẫn có một số loại cá biển ghi nhận tăng trưởng dương: cá cơm tăng 53%, cá nục tăng 14%, cá chỉ vàng tăng 20%... Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU giảm lần lượt 48% và 33%, sang Trung Quốc giảm 25%, sang Hàn Quốc giảm 21%, sang Nhật Bản giảm 8%.
Các nguyên nhân được Vasep chỉ rõ là lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và NK tại các thị trường giảm. Cạnh tranh căng thẳng với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ…
Sức khỏe và sức chịu đựng của bà con nông ngư dân và doanh nghiệp thủy sản suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vay vốn để duy trì sản xuất – xuất khẩu…
Theo Vasep, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8%/năm lên mức 3-3,3%/năm và thậm chí đến 4,5%/năm và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1-4,9%/năm.
Có những doanh nghiệp nhận lãi suất cao hơn 5%/năm trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Lãi suất cao đã đành nhưng các khoản phí cũng cao, cụ thể: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…
Vasep đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VND xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu
Cùng đó, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II và III/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.
Vasep kiến nghị ngân hàng Nhà nước xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay.
Nhà đầu tư