Xuất khẩu lao động sang Hàn quốc: 10 địa phương bị “cấm cửa”
Tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc đối với 44 huyện, thị của 10 tỉnh, thành do có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên
- 05-08-2016Hàng ngàn lao động Hà Tĩnh mất cơ hội xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc
- 01-08-2016Việt Nam có nguy cơ mất đi 700 triệu USD mỗi năm từ tiền gửi của lao động từ Hàn Quốc?
- 29-07-2016Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Sẽ hạn chế ở một số địa phương?
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp cho biết bộ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài) năm 2016. Như vậy, sau 4 năm tạm dừng cấp phép vì tỉ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc quá cao thì thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) Hàn Quốc dường như vẫn chưa khơi thông.
Xử mạnh tay
Theo Bộ LĐ-TB-XH, 90 huyện, thị (và cấp tương đương) có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 35% thuộc 10 tỉnh, thành: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Bình và Hưng Yên. Trong số này, Bộ LĐ-TB-XH quyết định tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2016 đối với 44 huyện, thị có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết chính sách này không áp dụng đối với lao động ngư nghiệp thuộc những huyện ven biển của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vừa qua. Cụ thể là huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; huyện Bố Trạch, Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình.
“Căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2016, bộ sẽ tiếp tục dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với những địa phương không giảm được tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, đồng thời gỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc” - Thứ trưởng Diệp cho biết thêm.
“Quýt làm, cam chịu”
Nghệ An là một trong số các địa phương có nhiều lao động đi làm việc tại Hàn Quốc nhất theo Chương trình EPS. Theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, từ năm 2005 đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có trên 7.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, riêng năm 2011 có tới 2.307 người. “Với mức lương hằng tháng từ 1.000-1.200 USD/người, đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã góp phần vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà” - ông Thắng nói. Dù vậy, năm 2016, có 11 huyện, thị, thành phố của Nghệ An đã bị Bộ LĐ-TB-XH “cấm cửa” đưa người đi làm việc tại Hàn Quốc do lao động của tỉnh này bỏ trốn quá nhiều. Tính đến tháng 6-2016, tỉ lệ lao động bất hợp pháp của tỉnh Nghệ An tại Hàn Quốc ở mức 43,18%.
Tương tự, Hà Tĩnh cũng có 5 huyện, thị gồm: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh không được tham gia Chương trình EPS trong năm 2016 do có tới 773 lao động đang bỏ trốn. Trong số này, huyện Nghi Xuân là địa phương có số lao động bỏ trốn nhiều nhất nước với 403 người.
Từ năm 2004 đến nay, có hơn 75.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Việc lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp chiếm tỉ lệ cao đã khiến chương trình bị gián đoạn (năm 2015 gần 36%, đứng đầu 15 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc). Từ tháng 8-2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm.
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép xuất phát từ ý thức kỷ luật kém. Hành vi này không chỉ làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam mà còn khiến Chương trình EPS bị gián đoạn, làm mất cơ hội đi làm việc của khoảng 35.000-40.000 lao động đã thi tiếng Hàn nhưng chưa được đi.
Điểm mặt 44 huyện, thị
44 huyện, thị (và cấp tương đương) bị cấm đi XKLĐ Hàn Quốc năm 2016 gồm: Vinh, Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); Thường Tín, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thạch Thất (TP Hà Nội); TP Hải Dương, Chí Linh, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương); Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình); TP Nam Định, Hải Hậu (tỉnh Nam Định); Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh); Bố Trạch, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên).
Người lao động