MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đã đến ngưỡng?

Bộ Công Thương vừa có báo cáo thống kê về xu hướng và tình hình xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Theo báo cáo này, nhiều dấu hiệu đáng lo ngại với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng quan tâm nhất là xuất khẩu điện thoại các loại, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 48,7 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2019 đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức. Cụ thể, tính chung 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 23,134 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ. Có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm hàng xuất khẩu này có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2018. Trong đó, thủy sản giảm 2,3%, rau quả giảm 2,4%, cà phê giảm 22,2%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,3%. Một số mặt hàng tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch do giá giảm như: Hạt điều, hạt tiêu, gạo.

Với mặt hàng thủy sản và nông sản, theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm.

Việc Việt Nam tăng nhanh và mạnh xuất khẩu sang Mỹ nhiều mặt hàng cũng được cảnh báo có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Để gỡ khó cho xuất khẩu, Bộ Công Thương cho hay sẽ nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Theo Thục Quyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên