MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nông sản chính ngạch tắc do chậm cấp mã, Bộ Nông nghiệp nói gì?

Xuất khẩu nông sản chính ngạch tắc do chậm cấp mã, Bộ Nông nghiệp nói gì?

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), tất cả hồ sơ của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã được gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Để nắm chắc tình hình, tránh ảnh hưởng đến việc ách tắc xuất khẩu, DN cần chủ động cập nhật thông tin trên trang web của hải quan nước sở tại để biết kết quả sớm.

Từ ngày 1/1/2022, các DN xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã. Tuy nhiên, không ít DN cho biết, dù nhiều tháng gửi hồ sơ, đến nay vẫn chưa có kết quả khiến nhiều lô hàng của DN có nguy cơ ách tắc. Đặc biệt, việc xử lý chậm còn làm gián đoạn hoạt động thương mại, gây thiệt hại lớn cho DN.

Phóng viên Tiền Phong đã trao đổi với TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, Bộ NN&PTNT).

Nhiều DN phản ánh về việc nộp hồ sơ để cấp mã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và 249 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, ông có thể cho biết tình hình cấp mã hiện nay ra sao?

Vào ngày 24/12/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo kết quả lần thứ nhất cho Việt Nam, có 1.045 mã sản phẩm của các DN đã được cấp mã xuất khẩu. Đến hôm nay (ngày 10/1) con số lên tới 1.389 mã. Mỗi sản phẩm sẽ được phía Trung Quốc cấp 1 mã nên số lượng trên tương ứng với khoảng 1.200 DN được cấp. Đến thời điểm này, tất cả hồ sơ của DN gửi trước ngày 30/10/2021 đã được cơ quan chức năng gửi hết sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc, không còn hồ sơ nào tồn ở các đơn vị. Trong thời gian này, chúng ta phải chờ phía Trung Quốc thẩm định và phê duyệt. Còn những DN nào chưa gửi hồ sơ trước ngày 30/10/2021, vẫn có thể vẫn gửi bình thường.

Vậy, so với tổng số hồ sơ mà các DN Việt Nam gửi, tỷ lệ các sản phẩm đã được cấp mã chiếm bao nhiêu %, thưa ông?

Có hai cách để DN nộp hồ sơ. Một là, các DN gửi đến 5 cơ quan thuộc 3 bộ của Việt Nam gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương). Cách thứ 2 là DN tự làm hồ sơ và đăng ký thẳng qua Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch tắc do chậm cấp mã, Bộ Nông nghiệp nói gì? - Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Nam cho biết, các DN cần chủ động cập nhật kết quả trên trang web của Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Con số trên do chúng tôi thống kê sơ bộ, còn cụ thể Văn phòng SPS Việt Nam đang làm văn bản gửi các đơn vị trên để rà soát, tổng hợp. Chúng tôi làm việc thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy nhanh việc cấp mã cho DN. Đối với những DN gửi thẳng, Văn phòng SPS Việt Nam đang đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho phía Việt Nam về tình hình đăng ký. Tuy nhiên, tôi nghĩ số lượng này không nhiều do hồ sơ đăng ký theo quy định mới không đơn giản.

Có ý kiến cho rằng, do thời gian triển khai của Bộ NN&PTNT gấp nên việc cấp mã diễn ra chậm, dẫn tới hoạt động xuất khẩu chính ngạch của DN cũng bị ảnh hưởng, ông nghĩ sao về điều này?

Nhận định như thế là chưa đúng. Vào tháng 9/2020, Trung Quốc bắt đầu lấy ý kiến về Lệnh 248 "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ". Lúc đó, Văn phòng SPS Việt Nam đã thông báo các đơn vị quản lý có liên quan, DN và hiệp hội. Theo thông lệ quốc tế, trong 60 ngày nếu không có ý kiến góp ý, phía Trung Quốc sẽ ban hành. Thời điểm đó, các đơn vị của Việt Nam hầu như không có ý kiến. Còn các DN cũng ít quan tâm về vấn đề này.

Đến giữa tháng 4/2021, Trung Quốc chính thức ban hành và thông báo áp dụng từ 1/1/2022. Ngay sau khi 2 lệnh này được ban hành, chúng tôi đã ký các văn bản gửi các địa phương, bộ, ngành để triển khai gấp và tổ chức hàng loạt các buổi phổ biến đến các DN, địa phương theo từng vùng trên cả nước.

Đến cuối tháng 9/2021, Trung Quốc bắt đầu hướng dẫn cụ thể 18 loại sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và hướng dẫn quy trình đăng ký cấp mã sản phẩm. Lúc này, các đơn vị mới bắt đầu triển khai được. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng rất áp lực về tiến độ này.

Đối với những DN lớn, họ có thể xử lý nhanh do có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn DN Việt Nam trước nay làm ăn với Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Lần đầu tiên tiếp cận đến những quy định này, rất dễ bị mắc lỗi và làm hồ sơ rất vất vả.

Chẳng hạn, chỉ cần lỗi nhỏ đánh máy thiếu dấu, hoặc dính chữ tiếng Anh khi nhập trên hệ thống; hay lỗi tên địa chỉ đăng ký kinh doanh và thay đổi người đứng đầu…, DN đều phải làm lại hồ sơ. Thậm chí, DN đã được cấp mã rồi nhưng giờ lại muốn đăng ký thêm mã sản phẩm nữa,… thì phải làm tiếp hồ sơ mới gửi sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Hiện, Trung Quốc áp dụng quy định này cho tất cả gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nên xử lý một số lượng lớn. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo DN cần chủ động lên trang web của Hải quan Trung Quốc https://ciferquery.singlewindow.cn/ để cập nhập kết quả. Trường hợp được cấp sẽ có tên trên hệ thống, chứ DN không phải ngồi đợi có văn bản gửi lại.

"Chúng tôi liên tục nhận được rất nhiều cuộc gọi của DN hỏi về kết quả hồ sơ. Nhưng có một thực tế là tại nhiều DN, nhiều người đứng đầu còn không nắm được. Thậm chí, không ít đơn vị còn không quan tâm tới việc này và nghĩ cần làm qua loa là xong. Giờ là giai đoạn của thương mại nông sản quốc tế, nếu chúng ta còn tư duy kiểu làm 'con buôn nông sản', chúng ta không thể làm được", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên