Xuất khẩu nông sản dự kiến đạt kỷ lục 62 tỷ USD
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay.
- 23-11-2024Trung Quốc nhập hàng nghìn tấn 'vàng trên cây' của Việt Nam: diện tích trồng gấp 14 lần, có bao nhiêu mua bấy nhiêu
- 18-11-2024Trung Quốc ra lệnh kiểm soát xuất khẩu một kim loại quan trọng: TQ nắm 80% thị phần, Việt Nam cũng sở hữu trữ lượng lớn thứ 3 thế giới
- 18-11-2024Sản vật tỷ đô của Việt Nam được Malaysia ra sức săn lùng: xuất khẩu tăng vọt hơn 1.000%, 1/3 thế giới đua nhau chốt đơn
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho hay, công nghệ chiếu xạ là một bước tiến đột phá trong việc bảo quản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giúp tiêu diệt hiệu quả các vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng gây hại, kéo dài thời gian bảo quản và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Tổng Thư ký Vinafruit cho rằng, Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn của thế giới và có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Việc nhà máy chiếu xạ này đi vào hoạt động sẽ giúp nông, thủy sản Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó, mở ra cơ hội thuận lợi xuất khẩu lớn các loại nông thủy sản Việt, trong đó có trái cây.
Hiện Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã chấp nhận cho Việt Nam xuất khẩu chính thức sang thị trường này 8 loại trái cây (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài, bưởi, dừa tươi gọt vỏ), sắp tới đây sẽ có thêm trái chanh dây và một số trái cây khác.
Nhập khẩu nông sản của Mỹ năm 2023 đạt gần 200 tỷ USD, trong đó gần 20 tỷ USD là nhập rau quả các loại từ tươi đến chế biến trên khắp thế giới. Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Mỹ đạt 258 triệu USD năm 2023, đứng thứ hai (sau Trung Quốc). 10 tháng năm nay, con số này là 287 triệu USD, tăng 135% so cùng kỳ.
Cũng theo đại diện Vinafruit, việc chấp nhận hàng hóa xử lý chiếu xạ trước khi xuất khẩu, ngoài thị trường Mỹ còn có Úc, New Zealand với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng trên 100 triệu USD. Việc xây dựng nhà máy chiếu xạ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Hậu Giang và Cần Thơ trong tương lai không xa sẽ trở thành trung tâm logistics vô cùng quan trọng của khu vực phía Nam.
Ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - cho rằng, chuỗi dịch vụ toàn diện từ sản xuất, sơ chế, chiếu xạ, bảo quản đến vận chuyển và thông quan không chỉ giúp tối ưu thời gian, chi phí logistics, còn đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Đặc biệt nỗ lực xanh hóa của đơn vị khi trung tâm chiếu xạ sử dụng năng lượng mặt trời thay cho điện lưới, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lớn như EU, Mỹ.
"Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 51,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Với đà này, dự kiến xuất khẩu nông sản sẽ đạt kỷ lục 62 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, để duy trì và bứt phá, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp công nghệ tiên tiến, đồng bộ trong khâu sau thu hoạch, bao gồm chiếu xạ, bảo quản lạnh và chuỗi dịch vụ khép kín", Chủ tịch VLA nói.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết, Công ty CP Hạnh Nguyên Logistics được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trung tâm logistics nông sản xuất khẩu, với quy mô diện tích 11ha, tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tại huyện Châu Thành.
Đến nay, hệ thống nhà máy chiếu xạ vốn khoảng 700 tỷ đồng, công suất 1.000 tấn/ngày đêm đã hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động. Giúp chiếu xạ nhanh chóng tất cả các mặt hàng như trái cây tươi, trái cây chế biến, thủy hải sản... Công ty đã xây dựng hoàn thành hệ thống kho mát, kho lạnh với sức chứa 100.000 tấn thành phẩm…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, vùng ĐBSCL đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, chi phí logistics còn rất cao so các nước xuất khẩu nông sản khác trong khu vực. Điều này đã làm giảm cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng thị trường xuất khẩu, giảm hiệu quả kinh doanh và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Tiền Phong