MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Phải đi thẳng vào nội địa

15-01-2020 - 08:57 AM | Thị trường

Theo các chuyên gia, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, mà yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm khắt khe tương đương với thị trường EU hay Mỹ. Muốn khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này, các doanh nghiệp cần xuất chính ngạch” sòng phẳng, nông sản phải “đấu” thẳng vào kênh phân phối sâu trong nội địa, không “le ve” ở vùng biên.

Thích ứng cách chơi để tránh ùn ứ

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 đến 15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018. Có tới 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều.

Năm 2019, dù được kỳ vọng rất lớn, nhưng xuất khẩu rau quả đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam (trên 65% thị phần). Tuy nhiên, thời gian qua, Trung Quốc đã có xáo trộn về cơ quan quản lý, chuyển từ thương mại biên mậu sang hoàn toàn nhập khẩu chính ngạch, khiến kim ngạch xuất nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam như rau quả, lúa gạo... giảm khá mạnh.

“Hiện tại khâu logistics phục vụ nông sản hiện chiếm 30% giá thành ngành trái cây, gạo. Với thủy sản là 18%. Đây là mức chi phí cao hơn nhiều so với các nước. Một ô tô chở thanh long từ Bình Thuận lên Tân Thanh (Lạng Sơn) để xuất sang Trung Quốc, chi phí dọc đường lớn, lên đến cửa khẩu chất lượng cũng không như mong muốn”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Có thời điểm (như trung tuần tháng 10/2019), khoảng 500 xe thanh long của Việt Nam đã bị ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn. Lực lượng chức năng phía Trung Quốc đã gắn camera, máy soi để tăng kiểm tra đối với ô tô, kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh vào Trung Quốc.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc đã chuyển sang “sân chơi” chính ngạch. Đây là điều cần thiết, buộc các DN Việt phải tuân thủ. Do vậy, để tránh cảnh ùn ứ, tắc ở các cửa khẩu, các DN phải đi vào khuôn khổ, đặc biệt là đảm bảo vấn đề truy xuất, bao bì, nhãn mác…chứ không thể “lôm côm, bao bì in một đằng, giấy tờ khai một nẻo”.

Theo bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc đã có nhiều thay đổi về quy định hàng nông sản xuất nhập khẩu, trong đó có sửa Luật An toàn thực phẩm, bắt buộc DN chế biến nông lâm thủy sản đăng ký, đăng ký vùng trồng, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…

“Các quy định này đã có từ trước, nhưng trong bối cảnh mới, đặc biệt là chiến tranh thương mại với Mỹ, nên Trung Quốc siết chặt hơn, khắt khe hơn về nguồn gốc, chất lượng. Các DN cần lưu ý để tránh được mùa mất giá, được giá mất mùa, cảnh ùn ứ ở cửa khẩu”, bà Mai Anh nói.

Theo ông Lê Quý Dương, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật (BVTV), gần đây Trung Quốc đã xây dựng dự thảo về 150 loại thuốc BVTV không được phép tồn dư trong các mặt hàng nông sản. Do vậy, nếu không đáp ứng được yêu cầu trên, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Dương cho biết, thời gian qua, Trung Quốc chỉ tập trung vào việc kiểm soát kiểm dịch thực vật, bao bì nhãn mác và truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa của Việt Nam và chưa tập trung vào kiểm soát dư lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

Hiện tại phía bạn đã có các giải pháp để có thể kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Việt Nam, tương tự như các thị trường Mỹ, EU, nhất là vấn đề ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư hóa chất.

Lấn sâu vào nội địa, đầu tư vào logistics

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu rau quả năm qua giảm, một phần do Trung Quốc siết yêu cầu về chất lượng và yêu cầu từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch. Khu vực biên giới, Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp để rà soát để chống hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch.

Theo ông Toản, về mặt thị trường, Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi khốc liệt đến từng ngõ ngách, đến tận các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, bởi không có thị trường, đầu ra sẽ rất khó. “Với thị trường Trung Quốc, hàng nông sản Việt Nam cũng mới dừng chủ yếu ở Nam Ninh, Quảng Tây, mà chưa vào sâu trong nội địa. Nhiều nông sản Việt Nam, nhưng lại mang một tên thương hiệu khác là điều rất đang tiếc”, ông Toản nói.

Ông Toản cho rằng, nông sản Việt cần được kết nối thẳng vào chuỗi phân phối của Trung Quốc, “đấu” thẳng với các tập đoàn lớn, chứ không trao đổi buôn bán qua đầu nậu, trung gian. “Có như vậy, chuỗi giá trị xuất khẩu mới có kết quả cao… Đến nay, ngay cả một tỉnh lớn như An Huy (Trung Quốc) với gần 90 triệu dân mà hàng Việt Nam không có ở đây”, ông Toản phân tích.

Cũng theo ông Toản, ngoài 9 nông sản đã được phép xuất chính ngạch vào Trung Quốc, dự kiến tháng 5/2020, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ có chuyến làm việc chính thức với Trung Quốc, qua đó sẽ thúc đẩy phía bạn mở cửa thêm cho sầu riêng, thạch đen, chanh leo, khoai lang…

Theo Nam Khánh

Tiền phong

Trở lên trên