MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nông thủy sản hậu dịch COVID-19: Tìm cơ trong nguy

27-06-2020 - 16:33 PM | Thị trường

Hôm qua, 26/6, tại TPHCM, trên 150 doanh nghiệp (DN) và hiệp hội DN các ngành hàng xuất khẩu cùng đại diện các bộ ngành liên quan đã “ngồi lại” tìm giải pháp thúc đẩy nông thủy sản hậu dịch COVID-19. Dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, các DN vẫn tìm cách lách qua cửa hẹp để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới.

Lách qua cửa hẹp

Không thể xuất khẩu thô, nhiều DN đẩy mạnh khâu chế biến. Ông Nguyễn Đức Thanh-Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Long An) cho hay, giải pháp nâng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu, tinh tế là hướng đi mới nhằm bắt kịp nhu cầu thị trường. “Ngoài mặt hàng điều rang, chiên muối, chúng tôi còn làm thêm hạt điều tẩm mật ong, hạt điều tẩm gia vị, hạt điều wasabi (mù tạt), hạt điều rang bơ lá chanh... Những sản phẩm này bán được giá cao cho thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng trong nước cũng rất thích ăn” - ông Thanh nói và cho biết sẽ điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu trong năm nay theo hướng giảm lượng, tăng chất lượng.

Ông Nguyễn Đình Tùng-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T, một đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính cho rằng, các DN cần đa dạng hóa thị trường, chú trọng đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc để có thể tiếp cận được những thị trường cao cấp, tiêu thụ ổn định hơn. Ông Tùng dẫn chứng tại thị trường Mỹ, dù dịch COVID-19 bùng phát nhưng nước này vẫn mua trái cây của công ty. Nguyên nhân do công ty đầu tư làm tốt công nghệ bảo quản nên có thể vận chuyển trái cây bằng đường biển dài ngày mà đảm bảo tươi ngon, cung cấp số lượng lớn, ổn định theo yêu cầu của đối tác. Ngoài Mỹ, công ty còn khai thác thêm thị trường Úc, Canada.

Ở lĩnh vực thủy sản, ông Trương Đình Hòe-Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các DN thủy sản đang tăng tốc sản xuất, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 8,6 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm tăng trưởng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2019. “Mặt hàng hải sản chịu ảnh hưởng rất lớn từ các vấn đề liên quan thị trường dịch bệnh. Trong đó, mặt hàng cá ngừ có sự giảm sút rất mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đặt mục tiêu cho xuất khẩu hải sản trong năm nay đạt 3,2 tỷ USD, để đảm bảo được sự nỗ lực chung của toàn ngành thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD” - ông Hòe cho biết.

Bắt sóng thị trường

Theo ông Trương Đình Hòe, dịch COVID-19 làm nhà hàng, khách sạn bị ngưng trệ, các sản phẩm phục vụ nhà hàng, khách sạn, tiêu dùng đều không có đầu ra. Điều này hình thành sự chuyển hướng hoạt động nhập khẩu phục vụ bán lẻ và bữa ăn gia đình. Nói cách khác là sự dịch chuyển giá trị gia tăng từ các sản phẩm có giá trị cao về các sản phẩm có giá trị truyền thống, sản phẩm có mức độ giá trị trung bình.

Cũng theo ông Hòe, DN cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam, nhằm giúp người nuôi tôm tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu thông tin (kỹ thuật nuôi tôm, giá cả và thông tin thị trường), kết nối thị trường (trao đổi hàng hóa, mua sắm thiết bị, công nghệ), trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống, tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành.

Chia sẻ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên-Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần vận động nông dân tham gia các hợp tác xã (HTX), thành lập các nông trại lớn, chung tay thực hiện chuyển đổi tư duy trồng trọt sản xuất rau quả an toàn theo hướng GAP đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu và chế biến.

“Các HTX sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn vay qua các hình thức vay tín chấp. Qua đó đầu tư máy móc, thực hiện toàn diện cơ giới hóa trong sản xuất. Từ đó, các DN xuất khẩu và các nhà máy chế biến gắn kết chặt chẽ với các HTX, nông trại lớn để có nhiều nguyên liệu sạch, đạt chuẩn cung ứng cho xuất khẩu tươi và chế biến. Đồng thời, hình thành nên những thương hiệu mạnh mang tầm cỡ quốc gia và thế giới” - ông Nguyên nhìn nhận.

"Theo dõi việc kinh doanh nông sản Việt trên thị trường quốc tế lâu nay tôi thấy rằng nông sản Việt Nam vẫn bị định kiến của nhà mua hàng quốc tế về dư lượng. Điều này gắn liền với thực tế là nông sản Việt Nam đến nay chỉ có chừng 5% đạt mục tiêu chuẩn quốc tế. Nông sản Việt không có thương hiệu, không thâm nhập được chuỗi thương mại toàn cầu. Hiện nay do tình hình mới thuận lợi hơn nên dần khắc phục được điểm yếu này, tuy nhiên vẫn chậm".

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA)

Theo Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên