MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh, cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh, cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết

Đạm Cà Mau đã triển khai xuất khẩu các đơn hàng lớn với tổng lượng xuất khẩu đạt 120.000 tấn đi các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Brazil, góp phần đáng kể vào sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ.

Bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19, cổ phiếu Đạm Cà Mau (Mã CK: DCM) đã bứt phá mạnh trong năm 2020. Kết thúc phiên giao dịch 22/12, thị giá DCM đạt 13.350 đồng/cp, gấp 2,16 lần so với đầu năm và đây cũng là mức giá cao nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh, cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết - Ảnh 1.

Cổ phiếu DCM xác lập mức giá cao nhất từ khi lên sàn chứng khoán

Sự bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu DCM đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, DCM đạt doanh thu thuần 5.295 tỷ đồng, lãi sau thuế 462 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 7% và 50% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo cập nhật từ CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), bên cạnh giá dầu là yếu tố hỗ trợ hiệu quả kinh doanh, hoạt động SXKD của DCM cũng ghi nhận rất nhiều điểm sáng.

Đầu tiên là giá khí đầu vào bình quân đang thấp hơn so với kế hoạch. Cụ thể, giá khí thực hiện bình quân 10 tháng đầu năm 2020 thấp hơn khoảng 12,5% so với giá khí kế hoạch là 5,16 USD/TrBTU do giá dầu giảm.

Bên cạnh đó, DCM đã triển khai xuất khẩu các đơn hàng lớn với tổng lượng xuất khẩu đạt 120.000 tấn đi các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Brazil, góp phần đáng kể vào sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ.

Tiêu thụ nội địa trong quý 3 thường là giai đoạn thấp điểm, tồn kho thường tăng cao khi các tỉnh phía Nam bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, và phía Bắc thu hoạch lúa chiêm.

Tuy nhiên, điểm sáng trong Quý này đến từ động lực tăng trưởng xuất khẩu phân bón. DCM đã triển khai xuất khẩu các đơn hàng lớn với tổng lượng xuất khẩu đạt 120.000 tấn đi các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Brazil, góp phần đáng kể vào sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ. Căng thẳng trong quan hệ khiến Ấn Độ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, tạo cơ hội xuất khẩu phân bón cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh, cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết - Ảnh 2.

Thị trường Campuchia cho thấy tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu bền vững. Khi doanh thu từ thị trường này liên tục qua các năm, và hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của DCM (năm 2019: 18%). Lợi thế xuất khẩu sang Campuchia đến từ: Thị hiếu phân bón Ure hạt đục, thị phần hiện ở mức 40%, hệ thống giao thông kênh rạch thuận lợi cho lưu thông hàng hóa với giá vận chuyển cạnh tranh.

Xuất khẩu phân bón tăng mạnh, cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM) lên mức cao nhất kể từ khi niêm yết - Ảnh 3.

Dòng tiền dồi dào hỗ trợ trả nợ và trả cổ tức cho cổ đông

Dòng tiền tốt giúp Đạm Cà Mau có nguồn lực để trả nợ trong kỳ. Chi phí phải trả ngắn hạn của công ty chỉ còn 99 tỉ đồng so với mức 794 tỷ đồng so với đầu năm, một phần do công ty đã trả 610 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tổng dư nợ vay tài chính cũng giảm hơn 800 tỷ từ 1.794 tỷ xuống còn 976,7 tỷ đồng.

DCM đã thanh toán cổ tức 6% bằng tiền mặt cho cổ đông vào ngày 23/11. Với 529,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Đạm Cà Mau đã chi trả 317,64 tỷ đồng để thực hiện chia cổ tức. Với tình hình sản xuất KD tích cực trong năm năm nay, PSI đánh giá khả năng cổ tức tiền mặt của năm 2020 sẽ không thấp hơn cùng kỳ.

Nhiều triển vọng trong năm 2021

Trong năm 2021, DCM sẽ thực hiện dừng máy để bảo dưỡng trong tháng 08, nâng công suất tối đa từ 110% lên 112% để đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng sản lượng, tăng thị phần.

Về vấn đề thương hiệu, DCM chuyển sang tên gọi "Phân bón Cà Mau" nhằm mở rộng danh mục sản phẩm, đặc biệt sản phẩm phân bón NPK dự kiến ra mắt năm sau.

Cũng trong năm 2021, luật thuế GTGT 71 được thông qua và áp dụng. Theo đó, phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào 5%. Dự kiến DCM tiết kiệm 70 – 230 tỷ đồng tiền thuế GTGT tùy thuộc vào diễn biến giá dầu giúp gia tăng dòng tiền và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, DCM dự kiến công suất nhà máy NPK hoạt động ổn định sẽ đáp ứng khoảng 300 nghìn tấn/năm (nâng dần lên công suất tối đa từ mức 150 nghìn tấn trong năm 2021). Nguyên liệu đầu vào để sản xuất tối đa NPK ước tính khoảng 90 nghìn tấn Ure mỗi năm. Nhờ vậy, DCM tận dụng nguồn Ure tự sản xuất để tiết giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Sản lượng Ure còn lại vẫn đủ đáp ứng trong nước và xuất khẩu. Thị trường mục tiêu là khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. DCM kỳ vọng đạt 20% thị phần NPK.

DCM đang chịu khấu hao lớn với tổng giá trị khấu hao hàng năm là hơn 1.300 tỷ, ước tính giá trị nhà máy đạm sẽ hết khấu hao vào khoảng tháng 4/2024 và đến khoảng giữa năm sau chi trả hết lãi vay xây dựng nhà máy. Nhà máy đạm còn mới và không phải phát sinh chi phí bảo trì quá cao hàng năm. Chi phí khấu hao không phải dòng tiền thực nên DCM vẫn đảm bảo thu được dòng tiền khá tốt.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên