Xuất khẩu phần mềm 1 tỉ USD và khát vọng chinh phục 'thị trường không giới hạn' của FPT
Theo dự kiến, xuất khẩu phần mềm Tập đoàn FPT năm 2023 sẽ đạt mốc 1 tỉ USD. Đây không chỉ là con số có giá trị khổng lồ mà còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới.
- 04-01-2023FPT Telecom bứt phá băng thông không giới hạn với gói cước mới
- 04-01-2023Sau khi cán mốc doanh số 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế, Tập đoàn FPT vượt quy mô 60.000 nhân sự
- 01-01-2023Ông Đỗ Cao Bảo: Kế hoạch doanh thu xuất khẩu phần mềm 1 tỷ đô của FPT Software tương đương 23.500 chiếc xe VinFast VF8 bán ở Mỹ
- 30-12-2022FPT Long Châu được vinh danh là doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu 2022
Ông Đỗ Cao Bảo, Ủy viên Hội đồng quản trị FPT. Ảnh: FPT.
Ủy viên HĐQT FPT Đỗ Cao Bảo chia sẻ cùng Nhadautu.vn nhiều thông tin xung quanh mục tiêu này.
FPT được biết đến là doanh nghiệp chủ yếu làm outsourcing (làm thuê) cho các hãng trên thế giới. Điều này còn đúng ở hiện tại không, hay FPT đã có một vị thế mới, thưa ông?
Outsourcing là giai đoạn đầu khi Go Global của FPT Software, đây cũng là con đường khởi đầu của Tata TCS, Infosys, Wripro, HCL của Ấn Độ. Tôi và nhiều chuyên gia phần mềm Việt Nam thế hệ đầu (1984-1990) đã từng làm sản phẩm phần mềm xuất khẩu sang Đức, Pháp, Mỹ. FPT IS cũng từng làm sản phẩm phần mềm cho các khách hàng trong lĩnh cực ngân hàng, viễn thông, chứng khoán, hàng không và đã đạt được những thành công nhất định. Sản phảm Core Banking và Billing và Customer Care cho viễn thông từng rất thành công, làm chủ hoàn toàn thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia.
Nhưng thực tế minh chứng rằng chỉ Mỹ và Trung Quốc mới làm ra những sản phẩm phần mềm được dùng rộng rãi trên toàn cầu, ngay cả các cường quốc Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada cũng rất hiếm có sản phẩm phầm mềm thành công trên quy mô toàn cầu.
Con đường đi của Tata TCS, Infosys, Wipro, HCL của Ấn Độ bắt đầu từ outsourcing. Quá trình làm outsourcing là quá trình tích luỹ dần về công nghệ, về nghiệp vụ ngành, về chuyên gia, khi tích luỹ đủ thì tiến lên làm hợp đồng trọn gói, làm phần mềm theo nghiệp vụ ngành (domain), làm dịch vụ tư vấn cao cấp, làm sản phẩm phần mềm.
Bằng con đường này, giờ đây TCS, Infosys, Wipro, HCL đã trở thành những công ty phần mềm lớn top đầu thế giới. Thậm chí vốn hoá của Tata TCS còn lớn hơn cả "gã khổng lồ" IBM, một biểu tượng về công nghệ của nước Mỹ cả trăm năm, lớn hơn cả SAP, hãng phần mềm số 1 Đức, số 1 Châu Âu (vốn hoá tháng 1/2023 của TCS là 146,66 tỷ USD, IBM 127,61 tỷ, SAP 124,88 tỷ), còn Infosys có vốn hoá lớn hơn 2,5 lần 2 hãng HP và Dell của Mỹ (tháng 1/2023 vốn hoá của Infosys là 75,83 tỷ USD, HCL 34,01 tỷ, Wipro 26,15 tỷ, HP là 26,85 tỷ và Dell 29,31 tỷ USD).
Như vậy có thể nói Tata TCS, Infosys, HCL và Wipro của Ấn Độ giờ đã là các công ty dịch vụ phần mềm hàng đầu thế giới, chỉ thua kém hai "gã khổng lồ" Microsoft và Oracle, còn lại không hề thua kém bất cứ hãng phần mềm nào của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
FPT Software cũng đang đi theo con đường của TCS, Infosys, HCL và Wipro của Ấn Độ và hiện đang đi đúng hướng, đã có sản phẩm made by FPT, đã gia nhập thị trường sản xuất chip, đã có dịch vụ tư vấn, dịch vụ ERP (quản trị nguồn nhân lực), đã có nhiều domain theo ngành nghề, đã có những hợp đồng trọn gói giá trị lên đến 100 triệu USD, 150 triệu USD và như vậy hiện FPT không còn là công ty outsourcing thuần tuý nữa.
Doanh thu xuất khẩu phần mềm năm ngoái của FPT là 800 triệu USD. Bao nhiêu phần trăm trong số này đến từ phần mềm mang thương hiệu FPT như FPT Akabot mà không phải outsourcing - tức làm thuê cho các hãng như Intel, Microsoft?
Phần không phải outsourcing của FPT Software hiện bao gồm các mảng sau: sản phẩm made by FPT (dòng 16 sản phẩm Aka và chip IoT cho y tế), dịch vụ tư vấn cao cấp (công ty Intellinet US), tư vấn chuyển đổi số, dịch vụ quản trị nguồn nhân lực ERP (FPT Slovakia, Germany, Czech và Japan), các hợp đồng trọn gói, các hợp đồng chuyên sâu theo nghiệp vụ ngành: hàng không, ô tô, tài chính-ngân hàng, truyền thông-giải trí, chăm sóc sức khoẻ, logistics, năng lượng-dịch vụ tiện ích, sản xuất, bán lẻ.
Riêng Akabot đã có 3.000 khách hành ở 20 quốc gia, lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Trong số khách hàng dùng Akabot có những tên tuổi rất nổi tiếng thế giới như Panasonic, Mizuho (Nhật Bản), HSBC (Anh quốc), ABB (Thụy Điển), ThinkPower (Mỹ), Schaeffler (Đức). Đặc biệt có khách hàng trả đến 6,5 triệu USD tiền bản quyền phần mềm, mỗi năm trả 1 triệu USD.
Doanh thu xuất khẩu phần mềm 2023 của FPT dự kiến đạt 1 tỷ USD. Ông có so sánh 1 tỷ USD tương đương với 23.500 chiếc VinFast VF8 bán ở Mỹ (với giá 42.500 USD/xe) để có hình dung con số này lớn thế nào. Cơ sở nào để FPT đưa ra mục tiêu này?
Đây là kế hoạch kinh doanh nghiêm túc được ban lãnh đạo FPT Software đề ra và ban lãnh đạo FPT phê duyệt sau nhiều vòng họp và thảo luận nghiêm túc, dựa trên cơ hội FPT Software có ở tất cả các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, châu Á, Mỹ Latin cũng như năng lực và nguồn lực nội tại của FPT Software.
Cơ sở dễ nhìn thấy nhất là 2022, tổng giá trị các hợp đồng FPT Software ký được đã đạt 1 tỷ USD, tức kế hoạch 1 tỷ USD doanh số năm 2023 chỉ đúng bằng tổng giá trị các hợp đồng đã ký năm 2022.
Cơ sở thứ 2 là tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm gần đây của FPT Software là 26%, trong đó có 2 năm đại dịch. Kế hoạch doanh số 1 tỷ USD năm 2023 được tính trên cơ sở tăng trưởng 26%, bằng tốc độ tăng trưởng 3 năm 2020-2022.
Yếu tố nào giúp FPT đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu phần mềm trung bình 3 năm gần đây 26% trong bối cảnh thế giới "vật lộn" với đại dịch hơn 2 năm, sau đó bước vào giai đoạn phục hồi chưa lâu thì chìm trong suy giảm, suy thoái kinh tế?
FPT Software đã tích luỹ tương đối tốt về nội lực, gồm năng lực tư vấn, năng lực làm hợp đồng lớn, tích luỹ về công nghệ và nghiệp vụ ngành. Vì vậy FPT Software được các khách hàng Mỹ, Nhật tin tưởng trao cho những hợp đồng lớn có giá trị trên 100 triệu USD, 150 triệu USD (FPT Software đang hướng tới những hợp đồng lớn hàng trăm triệu USD).
Thứ hai, FPT Software liên tục mở rộng thị trường. Tại Nhật Bản, FPT Software đã có mặt ở 14 thành phố, tại Mỹ 10 thành phố, Úc 2 thành phố, có mặt ở 26 quốc gia trên 4 châu lục, từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Úc đến Mỹ Latin.
Thứ ba là tinh thần quyết chiến, máu lửa của đội ngũ cán bộ FPT Software, không ngại khó, không ngại khổ, có mặt ở bất cứ đâu, miễn là ở đó có cơ hội, kể cả những nơi xa xôi như quần đảo Okinawa và đảo cực bắc Hokkaido của Nhật Bản.
Thứ tư, FPT Software có chiến lược đúng, tiếp cận ngay vào những công nghệ mới nhất, "hot" nhất, có nhu cầu cấp thiết nhất của khách hàng, đó là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và robotic.
Ở những lĩnh vực truyền thống thì FPT còn có khoảng cách với các công ty phần mềm ở các quốc gia khác, còn về công nghệ mới thì khoảng cách trình độ gần như được san lấp.
FPT Software Automotive Tech Show, ngày 30/7/2022. Ảnh: FPT.
Xâm nhập vào "thị trường không giới hạn"
Ông đánh giá vai trò của FPT Software trong FPT Corporation như thế nào, nhìn vào đóng góp lợi nhuận và triển vọng?
Trong FPT thì FPT Software là công ty đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất, lại có thị trường toàn cầu 8 tỷ dân, chúng tôi gọi là thị trường không giới hạn, tức thị trường lớn đến mức FPT Software và Việt Nam chúng ta không đủ sức làm. Chính vì vậy vai trò của FPT Software trong FPT sẽ ngày càng lớn.
Cá nhân tôi cho rằng thời điểm FPT Software có tỷ trọng 60% tổng lợi nhuận của FPT chắc không còn xa lắm đâu. Điểm rất quan trọng là chính những sản phẩm, những công nghệ mới nhất, những nghiệp vụ ngành chuyên sâu mà FPT Software đã triển khai cho những khách hàng Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản ở nước họ, giờ đây bắt đầu là những sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, nghiệp vụ ngành chuyên sâu rất quý giá có thể triển khai cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, giúp khách hàng Việt Nam hoạt động, kinh doanh hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao hơn.
Ngành xuất khẩu phần mềm mang về 200 tỷ USD cho Ấn Độ năm 2022, tương đương 49% GDP của Việt Nam. Cần có những chính sách hỗ trợ hay thay đổi gì từ phía chính phủ để xuất khẩu phần mềm của Việt Nam trở thành “người khổng lồ”, nhìn từ bài học Ấn Độ?
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam là nguồn nhân lực, thương hiệu quốc gia và thủ tục cấp visa, giấy phép lao động cho các chuyên gia của các khách hàng cũng như nhân viên người nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Hiện chúng ta thiếu cả về số lượng cũng như chất lượng sinh viên CNTT, phần mềm ra trường mỗi năm. Thiếu nhân lực đến mức các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam liên tục "câu" người của nhau, dẫn đến tỷ lệ nhân viên nhảy việc ở các công ty phần mềm rất cao, nhiều công ty phần mềm có tỷ lệ nhảy việc lên đến 25-30% một năm.
Thông thường một nhân viên phần mềm vào công ty phải mất 6 tháng để đào tạo về chuyên môn, quy trình và văn hoá công ty, nếu nhảy việc nhiều, thì thời gian và chi phí cho đào tạo, học việc của nhân viên mới rất lớn. Có những nhân viên vừa đào tạo xong, chưa kịp làm một công việc thật đã nhảy việc, dẫn đến chi phí cao, giảm năng lực cạnh tranh của công ty, cũng như giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Về chất lượng nguồn nhân lực, ngoài chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) và làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp là những kỹ năng mà nhiều trường đại học Việt Nam chưa quan tâm đúng mức. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học quan tâm đúng mức việc đào tạo những năng lực này cho sinh viên thì năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực phần mềm của Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều.
Về thương hiệu quốc gia, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia về phần mềm và CNTT ở mức quốc gia, phải xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc phần mềm và CNTT của thế giới, là địa chỉ mà các quốc gia khác tìm tới khi có nhu cầu, bởi đây là việc mà các doanh nghiệp phần mềm và CNTT Việt Nam không tự làm đơn lẻ được, chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm.
FPT có kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu trong giai đoạn 2023-2025. Ảnh: FPT.
Doanh nghiệp thành công là có nhiều nhân viên giàu, tốt về sự nghiệp
Phần rất lớn doanh thu, lợi nhuận của FPT đến từ khách hàng nước ngoài. Ông từng viết: “Những doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam thành công nhất đều có chung một công thức: công nghệ và quản trị học phương tây, nhưng văn hoá thì lại rất Việt Nam”. Yếu tố “một công ty rất Việt Nam” đã được áp dụng ra sao ở FPT để thành công?
Cái nhìn rõ nhất ở FPT là văn hoá, FPT mang đậm văn hoá Việt Nam, người FPT luôn đề cao tinh thần đồng đội, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, đối xử với nhau chân tình, có trước có sau, hết lòng vì bạn bè, khách hàng, đối tác, không bỏ rơi bạn bè, đối tác, đồng nghiệp khi khó khăn, trọng nghĩa hơn trọng tài.
Người FPT phải yêu nước Việt, yêu dân tộc Việt, phải có khát vọng làm rạng danh nước Việt, dân tộc Việt trên trường quốc tế, phải có khát khao mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới.
Trong kinh doanh, FPT áp dụng bài học chiến tranh nhân dân của cha ông, huy động tất cả các nguồn lực khi cần thiết, trong thành công chung luôn ghi nhận sự tham gia và đóng góp của tất cả các thành viên. Anh Trương Gia Bình có hẳn một bài giảng về chiến tranh nhân dân trong doanh nghiệp dùng để giảng dạy cho các cán bộ FPT các cấp, cho các khoá MBA của đại học FPT.
Người FPT khi sang kinh doanh ở nước nào phải tìm hiểu văn hoá, phong tục, tập quán, luật pháp, tín ngưỡng của nước ấy, tôn trọng luật pháp, tín ngưỡng, văn hoá và ứng xử theo văn hoá của nước ấy, nghĩa là sang Nhật ứng xử theo người Nhật, sang Hàn ứng xử theo người Hàn, sang Mỹ ứng xử theo người Mỹ, sang Ấn Độ, Bangladesh ứng xử như người Ấn Độ, Bangladesh (cái này cha ông ta gọi là nhập gia tuỳ tục).
Từ định nghĩa “một công ty rất Việt Nam”, ông quan niệm thế nào là "một doanh nghiệp Việt Nam thành công”?
Cá nhân tôi cho rằng một doanh nghiệp Việt Nam thành công là doanh nghiệp luôn mang lại lợi ích lớn cho khách hàng của mình, có đóng góp to lớn cho xã hội, cho kinh tế của đất nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước, giúp cho thật nhiều nhân viên của mình thành công cả về sự nghiệp lẫn về kinh tế.
Nếu xuất khẩu được sản phẩm, dịch vụ thu được ngoại tệ về cho đất nước và làm rạng danh dân tộc Việt trên trường quốc tế thì càng tuyệt vời hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhà đầu tư