Xuất khẩu sắt thép năm 2017 tăng trưởng ấn tượng nhưng quan ngại về năm 2018
Năm 2017 xuất khẩu sắt thép tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá so với năm 2016. Giá xuất cũng tăng trên 14%; tuy nhiên, sản phẩm này đang có nguy cơ giảm thị phần tại thị trường Mỹ.
Xuất khẩu sắt thép năm 2017 tăng trưởng ấn tượng
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2017 lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài tăng rất mạnh 35,6% về lượng và tăng 55,1% về trị giá so với năm 2016, đạt 4,71 triệu tấn, trị giá 3,15 tỷ USD.
Giá xuất khẩu sắt thép năm 2017 cũng tăng khá mạnh 14,4% so với năm trước đó, đạt trung bình 668,6 USD/tấn. Trong đó, giá xuất khẩu sang thị trường Đức đạt mức cao nhất 1.621 USD/tấn, tăng 35% so với năm 2016. Bên cạnh đó, các thị trường cũng đạt mức giá cao như: Hồng Kông 1.334 USD/tấn, tăng giảm 26,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 1.251 USD/tấn, tăng 59%; Trung Quốc 1.137 USD/tấn, giảm 24%.
Sắt thép của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 59,2% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 54,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 2,79 triệu tấn, tương đương 1,71 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia đạt 913.994 tấn, chiếm 19,4%, tăng 39,6% so với năm 2016. Giá xuất sang Campuchia tăng mạnh 21,5% so với năm 2016, đạt 570,3 USD/tấn.
Lượng sắt thép xuất sang Indonesia chiếm 13%, đạt 612.705 tấn, tăng 13%. Giá trung bình 731,3 USD/tấn, tăng 20,6% so với năm 2016.
Với thị trường Mỹ, chiếm 11% lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam, nhưng năm 2017 xuất khẩu sụt giảm mạnh 43,8%, chỉ đạt 523.494 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này lại được giá rất cao 812,7 USD/tấn, tăng trên 33%.
Trong năm 2017, các thị trường góp phần làm tăng trưởng mạnh xuất khẩu sắt thép đó là Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Anh, Bỉ; Trong đó, lượng sắt thép xuất sang thị trường Thụy Sĩ nổi bật với mức tăng gấp 419 lần so với năm trước đó, đạt 4.190 tấn; xuất sang Tây Ban Nha tăng 82 lần, đạt 81.799 tấn; sang Anh tăng 57 lần, đạt 113.052 tấn; Bỉ tăng gấp 20 lần, đạt 191.782 tấn.
Nguy cơ mất thị phần tại Mỹ
Ngành thép Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị trường của một số sản phẩm tại Mỹ, bởi có nhiều khả năng Mỹ sẽ áp thuế cao đối với các sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ từ Việt Nam.
Cụ thể ngày 11/12/2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ điều tra lẩn tránh thuế đối với sản phẩm thép cán nguội và tôn mạ của Việt Nam sử dụng thép cán nóng của Trung Quốc lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) mà Mỹ đã áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) sau đó đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với thép tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam do Mỹ khởi xướng.
VSA cho rằng kết luận này của DOC hoàn toàn vi phạm các quy định trong các Hiệp định của WTO và chính pháp luật Mỹ, bởi một số doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra đã đưa ra các bằng chứng cho thấy tôn mạ kẽm của Việt Nam có mức chuyển đổi lớn (khoảng 30-50%) so với thép cán nóng của Trung Quốc. Tỷ lệ này phù hợp với quy định trong Hiệp định của WTO và thông lệ quốc tế cũng như của Mỹ khi xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đối với vụ việc của Achentina trước đó.
Kết luận lẩn tránh thuế của DOC có thể khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn thị trường của hai sản phẩm nói trên tại Mỹ trong thời gian tới, do tâm lý e ngại các cuộc điều tra lẩn tránh thuế khác đối với các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam khi sử dụng nguyên liệu HRC được nhập khẩu từ các nước khác.
Trước những thách thức trên, hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thép thông qua việc phản đối các hành vi không phù hợp với pháp luật quốc tế của Mỹ. Đồng thời, đề nghị DOC tuân thu các quy định của WTO cũng như luật pháp Mỹ trong giai đoạn cuối, trước khi ban hành quyết định chính thức về vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.