MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu than đá tăng đột biến

14-05-2017 - 16:00 PM | Thị trường

Không chỉ tăng về lượng mà giá xuất khẩu than đá cũng tăng vọt.

Xuất khẩu than đá 4 tháng đầu năm nay tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu than cũng tăng mạnh, tiêu thụ than tăng.

Xuất khẩu than tăng đột biến

Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, mặc dù lượng than đá xuất khẩu trong tháng 4/2017 giảm mạnh 26% so với tháng 3/2017 (đạt 143.523 tấn) và kim ngạch cũng giảm gần 38% (đạt trên 18,7 triệu USD), nhưng tính chung cả 4 tháng đầu năm, lượng than đá xuất khẩu lại tăng đột biến tới 428% so với cùng kỳ (đạt 544.109 tấn), kim ngạch cũng tăng rất mạnh 851% (đạt gần 83,6 triệu USD).

Giá xuất khẩu trung bình tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá cùng kỳ năm 2016 là 79 USD/tấn, 4 tháng đầu năm nay vọt lên gần 154 USD/tấn. Đáng chú ý, trong nhiều năm trước, thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, thì năm nay, Trung Quốc gần như không tham gia vào thị trường xuất khẩu than đá của nước ta; thay vào đó là Nhật Bản và Malaysia.

Xuất khẩu than đá có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong số tất cả các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2017, do xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016.

Dẫn đầu về thị trường tiêu thụ than đá của Việt Nam là Nhật Bản, xuất sang Nhật Bản tăng tới 2.390% về lượng và tăng 2.488% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 256.367 tấn, tương đương 35,4 triệu USD.

Malaysia đứng thứ 2 về tiêu thụ than đá của Việt Nam, cũng tăng đột biến 1.261% về lượng và tăng 3.651% về kim ngạch so với cùng kỳ (đạt 95.317 tấn, tương đương 24,2 triệu USD).

Thị trường Lào, mặc dù 4 tháng đầu năm 2016 không tham gia vào thị trường xuất khẩu than đá của Việt Nam, nhưng 4 tháng đầu năm nay đã vươn lên vị trí thứ 3 thị trường, với 44.817 tấn, thu về trên 3,8 triệu USD.

Bên cạnh đó, tất cả các thị trường xuất khẩu khác đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: xuất sang Hàn Quốc 25.999 tấn, trị giá 1,8 triệu USD (tăng 148% về lượng và tăng 101% về kim ngạch); Ấn Độ 16.800 tấn, tương đương 2,9 triệu USD; Thái Lan 15.535 tấn, tương đương 1,5 triệu USD (tăng 102% về lượng và tăng 90% về kim ngạch); Đài Loan 11.912 tấn, tương đương 1,8 triệu USD (tăng 24% về lượng và tăng 57% về kim ngạch) và Indonesia 11.261 tấn, tương đương 1,5 triệu USD (tăng 79% về lượng và tăng 167% về kim ngạch).

Nhập khẩu than cũng tăng mạnh

Mặc dù xuất khẩu than tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu than 4 tháng đầu năm tuy giảm 2,4% về lượng, nhưng cũng tăng mạnh trên 72% về kim ngạch đạt trên 4,6 triệu tấn, trị giá trên 498 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu than nhiều nhất từ Indonesia - chiếm 33,5% trong tổng lượng than nhập khẩu của cả nước và chiếm 21,8% trong tổng trị giá- với gần 1,6 triệu tấn, trị giá 108,5 triệu USD (tăng 93% về lượng và tăng 201% về trị giá so với cùng kỳ).

Thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 là Australia với 1,4 triệu tấn, trị giá 166,8 triệu USD, chiếm 30% trong tổng lượng và chiếm 33% trong tổng trị giá, giảm 7% về lượng, nhưng tăng mạnh trên 83% về trị giá.

Đáng chú ý, nhập khẩu từ Malaysia tuy không lớn, chỉ 82,471 tấn, trị giá 4,3 triệu USD, nhưng tăng mạnh tới 246% về lượng và tăng 309% về trị giá so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện (bao gồm cả than Anthraxit và than nhiệt năng). Tuy nhiên, nhập khẩu tăng đang gây nhiều khó khăn cho than trong nước, do phải cạnh tranh với than nhập khẩu giá thấp.

Để đảm bảo bù đắp được giá thành, phù hợp với thị trường tiêu thụ than, và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã điều chỉnh giá than tăng từ 3%-10,7% (tùy từng chủng loại). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các đơn vị chưa ký hợp đồng mua than năm 2017 với TKV do chưa thống nhất về giá bán than áp dụng từ 24/04/2016 theo Quyết định số 3005/QĐ-TKV.

Tiêu thụ than tăng cao

Theo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, tháng 4 sản xuất than nguyên khai đạt 3,54 triệu tấn, bằng 9,8% kế hoạch năm; than tiêu thụ 3,4 triệu tấn, đạt 9,4% kế hoạch năm; đất bóc 13,6 triệu m3, đạt 9,8% kế hoạch năm; đào lò 19.097 mét, bằng 7,8% kế hoạch năm, trong đó đào lò XDCB 1.285 mét; sản xuất khoáng sản: tinh quặng đồng 4.657 tấn, đồng tấm 710 tấn, kẽm thỏi 900 tấn, thiếc thỏi 35 tấn, alumin+hydrat quy đổi 72.036 tấn; sản xuất và tiêu thụ điện 785,5 triệu kWh; sản xuất 7.450 tấn thuốc nổ, tiêu thụ 8.700 tấn; sản xuất, tiêu thụ amon nitrat 8.000 tấn.

Doanh thu tiêu thụ than dự kiến đạt 6.077 tỷ đồng đạt 11,2% kế hoạch năm; sản xuất, tiêu thụ khoáng sản đạt 764 tỷ đồng, đạt 6,7% kế hoạch năm; sản xuất và bán điện dự kiến 961 tỷ đồng, đạt 8,2% kế hoạch năm; sản xuất cơ khí, dự kiến 211 tỷ đồng, đạt 9,1% kế hoạch năm; vật liệu nổ công nghiệp dự kiến 382 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch năm.

Thùy Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên