Xuất khẩu thép tăng kéo theo nhiều kiện tụng
Mặc dù xuất khẩu có nhiều thuận lợi, nhưng các mặt hàng thép của Việt Nam cũng đã liên tiếp vướng vào hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại và bị áp thuế tại các thị trường xuất khẩu...
- 13-03-2021Uỷ ban Châu Âu: Xem xét gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép nhập khẩu
- 12-03-2021Giá thép và nguyên liệu đang giảm nhanh
- 11-03-2021Thị trường ngày 11/3: Giá dầu bật tăng trở lại, vàng cao nhất 1 tuần, sắt thép tiếp tục giảm mạnh
Ngành thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2021, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngay trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm sắt thép đã tăng trưởng ở mức cao. Tuy nhiên, cùng với đó, các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với thép Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2021, lượng sắt thép xuất khẩu đạt 747,8 tấn, trị giá hơn 540 triệu USD, giảm lần lượt 22,7% và 13,3% so với tháng trước về lượng và trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm, lượng sắt thép các loại xuất khẩu đạt 1,69 triệu tấn, trị giá gần 1,15 tỷ USD tăng 44% về lượng và gần 76% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
CƠ HỘI XUẤT KHẨU THÉP RỘNG MỞ
Trong 2 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất của Việt Nam với hơn 300.000 tấn, trị giá hơn 145 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Campuchia với hơn 217.000 tấn, trị giá hơn 140 triệu USD; thị trường Thái Lan với hơn 90.000 tấn, trị giá hơn 63,4 triệu USD...
Nhìn lại kết quả năm 2020, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, do tác động của dịch Covid-19, gần 50% số doanh nghiệp thuộc VSA có doanh thu sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong quý I và II. Cụ thể, trong sáu tháng năm 2020, sản xuất thép các loại của các doanh nghiệp thành viên chỉ đạt hơn 11,6 triệu tấn (giảm 8,1% so cùng kỳ năm 2019); tiêu thụ đạt hơn 10,4 triệu tấn (giảm 10,7% so cùng kỳ năm 2019). Đặc biệt, xuất khẩu thép các loại chỉ đạt hơn 1,8 triệu tấn (giảm tới 24,6% so cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, kể từ tháng 7, các doanh nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể.
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam
Tính chung trong năm 2020, sản xuất thép các loại đạt khoảng 24 triệu tấn (tăng 1% so năm 2019); tiêu thụ thép các loại đạt hơn 21 triệu tấn (giảm 0,9% so năm 2019). Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt gần 8 triệu tấn với trị giá đạt 4,19 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới. Nhận định về tiềm năng xuất khẩu thép năm 2021, các chuyên gia dự báo, trước các cơ hội từ việc hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các FTA như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Đối với CPTPP, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BSC), các nước thành viên CPTPP là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất thép cho các doanh nghiệp. Đơn cử, Australia là nước cung cấp than đá và quặng chủ yếu cho Việt Nam, lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng từ các nước thuộc CPTPP. Một số thành viên như Canada, Malaysia cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều thép thành phẩm.
Đối với EVFTA, có hiệu lực từ 1/8/2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành thép rộng đường và thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU. Về mặt lý thuyết, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành nghề, trong đó có ngành thép. Tuy nhiên, thị trường các nước EU ở trạng thái bão hòa với các giao dịch thương mại thép, các hoạt động chủ yếu trong nội khối.
Theo số liệu của VSA, thị trường EU chiếm khoảng 4,2% tổng lượng XK thép của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường truyền thống là ASEAN, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lần lượt đạt gần 55% và 19%. Trong báo cáo đánh giá triển vọng ngành thép năm 2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định, xuất khẩu của ngành thép vẫn khá tích cực, song, sự cạnh tranh dự báo sẽ gay gắt hơn. Bởi, theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020, được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021.
Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng-nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021. Do đó, ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm 2021. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.
LIÊN TIẾP CÁC VỤ KIỆN VÀ BỊ ÁP THUẾ
Mặc dù có nhiều thuận lợi ngay trong những tháng đầu năm 2021, nhưng các mặt hàng thép của Việt Nam cũng đã liên tiếp vướng vào hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại và bị áp thuế tại các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, cuối tháng 1/2021, Malaysia quyết định áp mức thuế 7,42% dành cho các sản phẩm của POSCO Việt Nam, trong khi các sản phẩm của Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam và các nhà sản xuất thép khác sẽ chịu mức thuế 33,7%. Riêng sản phẩm của POSCO, vào tháng 12/2019 đã bị nước này áp thuế trong 5 năm, ở mức 7,7%, trong khi sản phẩm từ các doanh nghiệp thép khác của Việt Nam sẽ chịu mức thuế trên 20%.
Trước đó, Malaysia cũng đã quyết định áp thuế chống bán phá giá với nhiều sản phẩm thép xuất xứ từ Việt Nam. Đơn cử, ngày 28/12/2020, nước này áp thuế bán phá giá 7,73-34,82% lên các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nước ta trong 120 ngày. Ngày 23/12/2020, các sản phẩm thép cán dẹt không hợp kim hoặc được phủ nhôm và kẽm nhập khẩu từ Việt Nam bị áp thuế chống bán phá trong 5 năm với biên độ từ 3,06% - 37,14% tại thị trường này.
Đầu tháng 2/2021, thép cốt bê tông với kim ngạch xuất khẩu vào Canada đạt xấp xỉ 66.500 tấn, tương đương khoảng 30 triệu USD hàng năm bị kết luận biên độ phá giá từ 3,7-15,4%. Thị trường này sẽ quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng với mức biên độ bán phá giá. Tại thị trường Ấn Độ, ngày 11/2/2021, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) thông báo khởi xướng điều tra rà soát phạm vi sản phẩm trong vụ việc chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống thép hàn không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, DGTR sẽ không xem xét lại biên độ trợ cấp và thiệt hại trong vụ việc gốc trước đây. Được biết, cuộc điều tra này nhằm mục đích đánh giá lại phạm vi sản phẩm và xem xét loại trừ một số sản phẩm có các tiêu chuẩn đặc biệt mà ngành sản xuất nội địa Ấn Độ không sản xuất được.
Tại thị trường Indonesia, ngày 17/2/2021, Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã kết luận điều tra cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam. Qua đó, KADI cho rằng hàng hóa bị điều tra đã bán phá giá và gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành sản xuất tôn lạnh nội địa của Indonesia và quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá từ 3,01 - 49,2% đối với Việt Nam...
Ngày 25/2/2021, Ủy ban Thuế quan quốc gia Pakistan đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội có xuất xứ/xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Mức thuế bán phá giá cáo buộc đối với DN Việt Nam là 27,98%.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2021, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được thông tin về việc Ủy ban châu Âu (EC) thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ để gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép nhập khẩu trên cơ sở yêu cầu của một số nước thành viên EU. Trước đó, ngày 1/2/2019, EC đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với 26/28 nhóm sản phẩm thép bị điều tra trong 3 năm, kết thúc vào ngày 31/6/2021.
Hiện nay, trong số các sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang EU, có 4 nhóm sản phẩm đang bị áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan bao gồm: nhóm 2 (thép tấm cán nguội), nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng), nhóm 9 (thép tấm không gỉ), nhóm 24 (ống thép đúc).
Để ứng phó kịp thời và hiệu quả vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan xem xét gửi ý kiến bình luận về vụ việc/ yêu cầu tham vấn tới EC theo đúng thể thức và thời gian quy định.
Theo dõi thông tin vụ việc, gửi ý kiến bình luận đối với ý kiến của các bên liên quan khác trong trường hợp cần thiết. Hợp tác toàn diện với cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc diễn ra. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của EU để có ý kiến với Chính phủ EU, yêu cầu xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế - xã hội và lợi ích công chúng.
Cục Phòng vệ thương mại cũng khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi thông tin vụ việc và trong trường hợp cần thiết, sẽ phối hợp với VSA và các doanh nghiệp liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành thép xuất khẩu của Việt Nam.
Vneconomy