MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gặp khó do Covid-19

23-02-2020 - 16:01 PM | Thị trường

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Do đó, chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản theo đường biên giới đất liền, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng trong thời gian chưa kiểm soát được dịch Covid-19.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 01/2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 491,6 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 12/2019 và giảm 33,2% so với tháng 01/2019. Xuất khẩu thủy sản tháng 01/2020 giảm do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong tháng 01/2020, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhật Bản, Mỹ và EU là 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 01/2020.

Covid-19 tại Trung Quốc đã có tác động đến xuất khẩu thủy sản trong tháng 01/2020, khiến tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này giảm từ 10% trong tháng 01/2019, xuống còn 8,9% trong tháng 01/2020. Từ tháng 02/2020, tác động của dịch đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ rõ nét hơn.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Do đó, chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản theo đường biên giới đất liền, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng trong thời gian chưa kiểm soát được dịch do tác động hạn chế giao thương qua cửa khẩu đất liền nhằm kiểm soát Covid-19. Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2020.

Không chỉ xuất khẩu tới Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ phải cạnh tranh gay gắt tại nhiều thị trường khác. Việc các nước khác cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc sẽ khiến họ đẩy mạnh khai thác các thị trường ngoài Trung Quốc, do đó việc giành được đơn đặt hàng mới từ các nhà nhập khẩu lớn ở Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc… trở nên khó khăn hơn và các mặt hàng thủy sản nhiều khả năng sẽ chịu áp lực giảm giá.

Tuy nhiên, thị trường thế giới cũng tạm thời thiếu hụt nguồn cung các mặt hàng thủy sản do Trung Quốc xuất khẩu, đây cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản đa dạng thị trường xuất khẩu, bù đắp phần giảm do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt là cơ hội từ thị trường EU. Việc Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12/02/2020 kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội đối với ngành thủy sản trong thời gian tới. Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…

Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%... Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác giảm theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm.

Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn. Tuy nhiên, để khai thác được cơ hội, thủy sản Việt Nam cần đáp ứng được các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ… của EU.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gặp khó do Covid-19 - Ảnh 1.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên