MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản trở lại “đường đua”

28-09-2023 - 15:34 PM | Thị trường

Xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu tháng 9 năm nay đã đem về gần 364 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này là tín hiệu cho thấy, xuất khẩu thủy sản đang trở lại "đường đua" và sẽ dần tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường đều đạt mức đỉnh kể từ đầu năm.

Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đều ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng những thị trường và mặt hàng ngách để có thể bù đắp phần nào cho sự suy giảm tại các thị trường truyền thống.

Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vào cuối năm

Có thể thấy rõ, mặc dù không sôi động như những năm trước, nhưng quý IV năm nay được kỳ vọng là thời điểm vàng để xuất khẩu thủy sản tăng tốc.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng mới, trong khi hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cũng nhộn nhịp trở lại. Nhiều mặt hàng xuất khẩu lại tăng như: cá nước ngọt, cá đóng hộp, tôm khô.

Xuất khẩu thủy sản trở lại “đường đua” - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Mỗi ngày, nhà máy chế biến khoảng 20 tấn thủy sản các loại để xuất khẩu đi Nhật Bản. Nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và đi vào phân khúc cao cấp nên từ đầu năm tới nay doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu đều đặn.

"Từ nay đến cuối năm phải làm hết công suất, một tháng khoảng 500 tấn thành phẩm đóng gói để xuất đi", ông Trần Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đại Nam, cho biết.

"Đơn hàng đã đủ cho cả năm 2023. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng cho năm 2024, chủ yếu là thị trường châu Âu và Mỹ, tiêu thụ những sản phẩm có giá trị gia tăng", bà Dương Thị Cẩm Nhiêng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đại Nam, cho hay.

Riêng mặt hàng cá tra, thị trường dần khởi sắc, đặc biệt sau khi phía Mỹ công bố kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 19 giảm mạnh. Điều này đã tác tác động tích cực tới các nhà máy xuất khẩu.

"Với mức thuế 0,14 USD/kg, giá đó có thể bán cá tra sang Mỹ tốt. Chúng tôi rất phấn khởi khi nghe thông tin này", ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, chia sẻ.

Việc các vùng nguyên liệu quy mô lớn, chất lượng cao được duy trì, không bị đứt gãy cũng là yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản tăng tốc.

Hiện các ngân hàng cũng đang tích cực bơm mạnh nguồn vốn thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của nước ta đã và đang tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Tận dụng tốt các cơ hội này sẽ giúp ngành thủy sản sớm lấy lại đà tăng trưởng.

EU khuyến nghị tháo gỡ thẻ vàng

Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang rốt ráo thực hiện việc gỡ thẻ vàng IUU. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì Liên minh châu Âu (EU) nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam.

Việc chậm thực hiện khuyến nghị của các đoàn thanh tra từ EC có thể khiến cho "thẻ vàng" có nguy cơ biến thành "thẻ đỏ". Khi đó, thủy sản Việt Nam không những không vào được thị trường EU, mà một số quốc gia khác như Mỹ cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của nước ta.

"Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý về IUU với hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, hay thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước. Nhưng điều quan trọng hơn là việc thực thi đầy đủ khung pháp lý này, đặc biệt là cấp địa phương, tỉnh thành ven biển, cách thức truyền thông đến ngư dân như thế nào, quản lý đội tàu, tình hình tàu cá đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài đã bị xử phạt nghiêm, hay tỷ lệ này có giảm hay không. Tôi hy vọng vấn đề thẻ vàng IUU sẽ nhanh chóng được sớm giải quyết khi công tác của Ủy ban châu Âu sẽ đến Việt Nam vào tháng 10 đánh giá tình hình liên quan thẻ vàng IUU", ông Julien Guerrier, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhận định.

Theo Ban Thời sự

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên