MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được mùa được giá, 'hạt vàng' của Việt Nam đang được một quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, xuất khẩu tăng hơn 3.000% trong 8 tháng đầu năm

28-09-2023 - 06:09 AM | Thị trường

Xuất khẩu sang quốc gia này trong 8 tháng đầu năm 2023 gấp 4 lần tổng lượng cả năm 2022 cộng lại.

Được mùa được giá, 'hạt vàng' của Việt Nam đang được một quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, xuất khẩu tăng hơn 3.000% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 921.443 tấn với kim ngạch hơn 546 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 50,75 về trị giá so với tháng 7/2023.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 5,8 triệu tấn, thu về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là mặt hàng ghi nhận tăng trưởng đứng thứ 2 về sản lượng trong 8 tháng đầu năm. Giá xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm đạt 537 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, Philippines vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt. Đáng chú ý, nhiều quốc gia khác lại đang tích cực nhập khẩu với mức tăng trưởng đột biến, trong đó phải kể đến quốc gia châu Phi - Senegal.

Cụ thể, xuất khẩu gạo Việt sang Senegal trong 8 tháng đầu năm đạt 11.908 tấn với kim ngạch đạt hơn 5 triệu USD, tăng 3.018% về lượng và tăng 2.241% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm gấp 4,1 lần tổng lượng cả năm 2022 cộng lại (2.933 tấn). Giá xuất khẩu bình quân đạt 420 USD/tấn, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm trước.

Được mùa được giá, 'hạt vàng' của Việt Nam đang được một quốc gia châu Phi cực ưa chuộng, xuất khẩu tăng hơn 3.000% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Senegal là quốc gia Tây Phi có nền kinh tế mở, là nơi đặt trụ sở Ngân hàng Trung ương các quốc gia Tây Phi, có cảng biển quốc tế Dakar là nơi trung chuyển hàng hóa trong tiểu vùng.

Tại Senegal, gạo, kê, lúa miến và ngô là những thức ăn cơ bản của các hộ gia đình. Đỗ lạc cũng là nguồn protein quan trọng và là cây trồng mang lại lợi nhuận cao. Gạo nhập khẩu được tiêu thụ hàng ngày bởi đại đa số người dân, đặc biệt là tại các trung tâm đô thị ở thủ đô Dakar và thành phố Touba. Gạo địa phương chủ yếu được sản xuất ở thung lũng sông Sénégal.

Từ 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty Nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực này. Do luôn bị hạn hán đe dọa nên sản xuất lương thực của Senegal chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước. Mỗi năm, nước này vẫn phải nhập khẩu từ 700.000 đến 800.000 tấn gạo trong đó hơn 90% là gạo tấm. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal đạt hơn 36,25 triệu USD (trong đó riêng gạo chiếm 1,7 triệu USD).

Trên thị trường này, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Trung Quốc, Braxin, Áchentina, Uruguay, Hoa Kỳ, Malaysia và Campuchia. 

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên