MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 10 tỉ USD

26-11-2022 - 20:04 PM | Thị trường

Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch 10 tỉ USD ngay trong tháng 11 và hết năm 2022 có thể đạt mức 11 tỉ USD. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sẽ có lễ mừng sự kiện này.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 10 tỉ USD - Ảnh 1.

Ông Trương Đình Hòe phát biểu tại hội thảo và chia sẻ thông tin xuất khẩu thủy sản chiều 26-11 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng" do Tạp chí điện tử Doanh Nhân Việt Nam, trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz tổ chức tại TP Cần Thơ chiều 26-11, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP - đã chia sẻ những "tin vui" về xuất khẩu thủy sản.

Cụ thể, ông Hòe cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu tới cuối tháng 11 đã cán mốc 10 tỉ USD và hết năm 2022 dự báo cán mốc 11 tỉ USD. Dự kiến đầu tháng 12, tại TP.HCM, VASEP sẽ lần đầu tiên tổ chức lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt mốc 10 tỉ USD.

Trong đó, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỉ USD (tăng 30%), xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỉ USD (tăng hơn 80% cùng kỳ năm 2021) và có thể đạt mức 2,5 tỉ USD trong năm nay. Tương tự, sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD. Nhìn chung các sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số, từ 18-77%.

Lý giải về nguyên nhân đạt mức kim ngạch xuất khẩu thủy sản nêu trên, ông Hòe cho biết Việt Nam có sự chủ động trong vấn đề nguyên liệu và sản xuất. Cụ thể, khi thế giới vào giai đoạn cao trào của dịch COVID-19, doanh nghiệp thủy sản vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ cần tiếp tục nuôi trồng thủy sản trong thời điểm đó và điều này trở thành vấn đề giúp phục hồi sau đại dịch rất nhanh.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 10 tỉ USD - Ảnh 2.

Tôm là mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam. Trong ảnh: thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngoài ra, còn có sự linh hoạt, kiên trì đối với thị trường và xu hướng tiêu dùng. "Khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng không ra đường được nên phải ăn thủy sản tại nhà, mình đã chuyển dịch kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng xuất khẩu", ông Hòe nói.

Ông Hòe cũng cho rằng cần mạnh dạn đưa ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản 20 tỉ USD vì nhu cầu thế giới còn rất lớn. "Với tiềm năng, khả năng phát triển ta có thể làm được. Với sự tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, giảm nguồn lợi từ khai thác, chúng ta có thể hy vọng đạt được mức này ở một thời gian nào đó và cần nỗ lực để đạt được", ông Hòe nói thêm.

Theo CHÍ QUỐC

Tuổi trẻ Online

Trở lên trên