Xuất khẩu tôm quý II/2018 chững do giá nguyên liệu giảm, khuyến cáo người dân không nên bán ồ ạt
Cơ quan chức năng khuyến cáo, hiện giá tôm đang hồi phục và theo dự báo còn tiếp tục tăng, vì vậy người nuôi tôm không nên ồ ạt bán tháo tôm cỡ nhỏ, mà cần nuôi tôm về size lớn để bán được giá cao.
- 09-07-2018Kỳ lạ: Ăn sầu riêng rồi bán lại hạt với giá cao ở Lâm Đồng
- 09-07-2018Thuê bao di động bất ngờ tăng trở lại
- 09-07-2018Xe nhập khẩu miễn thuế đang chờ "bùng nổ"
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng 20,2% trong quý I/2018, xuất khẩu (XK) tôm trong quý II/2018 có chiều hướng giảm nhẹ. Bắt đầu từ tháng 4, XK tôm đạt 275,2 triệu USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 5 XK đạt 309,9 triệu USD, giảm 5,7%; tháng 6 XK ước đạt 283,6 triệu USD, giảm 15%; quý II/2018, XK tôm ước đạt 868,7 triệu USD, giảm 7,4% so với quý II/2018.
XK tôm quý II giảm phần nào do giá tôm nguyên liệu giảm trong tháng 4 và 5. Từ tháng 4 đến giữa tháng 6, giá tôm chân trắng giảm mạnh từ 20-30% tùy theo cỡ tôm. Trong tháng 4/2018, giá tôm chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg giảm đến 20.000 đồng/kg so với tháng 3, xuống còn 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg cũng giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg, xuống còn 85.000 - 90.000 đồng/kg. Sang tháng 5, giá tôm không cải thiện mà tiếp tục giảm tại các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… Cụ thể thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm chân trắng loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, tôm chân trắng loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg.
Giá tôm trên thị trường thế giới giảm, sản lượng của các nước sản xuất tôm đồng loạt tăng, các nhà nhập khẩu yêu cầu giảm giá, ảnh hưởng đến giá tôm nguyên liệu và giá trị XK tôm Việt Nam trong những tháng qua.
Theo dự báo của nhóm nghiên cứu về thị trường tôm tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC), sản lượng tôm của các nước sản xuất chính trên thế giới sẽ phục hồi với sản lượng có thể vượt qua 3,5 triệu tấn năm 2018. Tổng sản lượng này được đánh giá là vượt lên mức cao nhất trong 10 năm qua (2008-2018).
Sản lượng tôm nuôi thế giới tăng là do sản lượng của nhiều nguồn cung lớn như: Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia dự báo tăng trong năm 2018.
GSMC ước tính, sản lượng tôm của Ấn Độ có thể đạt 697.000 tấn năm 2017/2018. Sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng từ 469.000 tấn năm 2017 lên 531.000 tấn năm 2018. Nhóm nghiên cứu ước tính sản lượng ở Trung Quốc "chạm đáy" năm 2017 với 525.000 tấn và dự kiến sản lượng đạt 625.000 tấn năm 2018. Indonesia cũng dự kiến tăng sản lượng tôm trong năm 2018 lên 335.000 tấn.
Năm nay, nhiều cường quốc nuôi tôm đều đề ra chương trình tăng trưởng nuôi tôm, sản lượng tôm thế giới năm nay dự báo tăng. Sản lượng tăng trong khi mức tiêu thụ nửa đầu năm nay giảm, đã khiến giá tôm thế giới sụt giảm mạnh.
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá tôm ở tất cả các size cỡ đều tăng vài ngàn đồng mỗi ký so với thời điểm cuối tháng 5, cụ thể: tôm thẻ loại 70 con/kg giá 89.000 - 104.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 93.000 - 108.000 đồng/kg, 50 con/kg giá 101.000 - 113.000 đồng/kg.
VASEP dự báo XK tôm sẽ hồi phục trong những tháng tới do nhu cầu đang tăng trở lại, giá tôm nguyên liệu trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Hơn nữa, giá tôm nguyên liệu tại các nước sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan có xu hướng tăng. Tại Ấn Độ, giá tôm giảm gần xuống mức thấp kỷ lục trong tuần 21 tuy nhiên tăng trong tuần 22 (28/5-2/6/2018). Tôm cỡ 100 con/kg có giá tăng từ 165 rupee/kg lên 180 rupee/kg. Tại Thái Lan, sau chương trình thống nhất giá tối thiểu của Chính phủ và các nhà chế biến, giá tôm tất cả các kích cỡ cũng có dấu hiệu tăng. Đối với cỡ 60 con/kg, giá trong tuần 22 đã tăng lên 125-133 bạt/kg từ 120 bạt/kg. Đối với cỡ 70 con, giá tăng lên 120-130 bạt/kg từ 117-118 bạt và cỡ 80 con tăng lên 115-125 bạt/kg từ 113-115 bạt/kg.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, hiện giá tôm đang hồi phục và theo dự báo còn tiếp tục tăng, vì vậy người nuôi tôm không nên ồ ạt bán tháo tôm cỡ nhỏ, mà cần nuôi tôm về size lớn để bán được giá cao. Ngoài ra, quản lý cho ăn vừa đủ để tiết kiệm thức ăn; đồng thời, chủ động liên kết vật tư đầu vào nhằm giảm tối đa giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Nhịp sống kinh tế