Xuất khẩu tôm sẽ "lội ngược dòng" trong những tháng cuối năm
Theo VASEP, xuất khẩu tôm dự báo sẽ chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm trong nước tăng, giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm.
- 22-09-2019Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng mạnh
- 22-09-2019Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh cả về lượng và trị giá trong tháng 8/2019
- 22-09-2019Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, sau khi tăng trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 8/2019 giảm nhẹ 1,6% đạt 352,9 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù xuất khẩu chưa tăng nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn những tháng trước đó.
8 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69%, tôm sú chiếm 21,1% và còn lại là tôm biển. Xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,5 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tôm sú đạt 449,8 triệu USD, giảm 15%; xuất khẩu tôm biển khác đạt 210,2 triệu USD, tăng 6%. Xuất khẩu tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 33%. Xuất khẩu tôm biển chế biến đóng hộp tăng mạnh nhất 38%.
Trong tháng 8/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là EU đạt 74,8 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 8/2018. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), xuất khẩu sang Đức tăng 14% trong khi xuất khẩu sang Anh và Hà Lan giảm lần lượt 25,8% và 18,3%. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 452,4 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh, chủ yếu chỉ có Thái Lan và Indonesia. Tôm chế biến có thuế suất cao nếu không có GSP (từ khoảng 10-20%), các đối thủ của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh về giá. Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng nên thị trường này đủ để các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thủy sản vừa tầm cung ứng của mình.
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 23% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.
Tiếp nối đà tăng trưởng dương trong tháng 7/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 8/2019 tăng 3,8% đạt 84,7 triệu USD. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng dương sau khi giảm liên tục từ đầu năm. Mỹ vươn lên thành thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tháng 8/2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng 3,5% đạt 59,2 triệu USD. Tính tới tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm sang Nhật đạt 388,2 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.Với những ưu đãi từ các Hiệp định như VJEPA và CPTPP, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản tính tới tháng 8 năm nay vẫn khá ổn định.