MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu top đầu thế giới, tại sao Việt Nam vẫn chi hơn nửa tỷ USD mua mặt hàng này?

09-07-2024 - 10:37 AM | Thị trường

Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này đạt trị giá gần 3 tỷ USD. Nhưng cũng nhập khẩu hơn nửa tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.

Theo đó, nước ta đã xuất khẩu 4,68 triệu tấn gạo các loại, thu về 2,98 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng mạnh 32% về giá trị do giá xuất khẩu mặt hàng này neo ở mức cao.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 26/6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta là 657 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 543 USD/tấn.

Xuất khẩu top đầu thế giới, tại sao Việt Nam vẫn chi hơn nửa tỷ USD mua mặt hàng này?- Ảnh 1.

6 tháng 2024, Việt Nam chi khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng nêu gạo nằm trong top 5 mặt hàng của ngành nông nghiệp có thặng dư thương mại cao khi đạt 2,31 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức, chỉ trong nửa đầu năm nay, nước ta chi khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo.

Trong năm 2023, nước ta cũng chi gần 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia. Trong đó, chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, chủng loại gạo nhập khẩu về nước ta chủ yếu là gạo có chất lượng thấp hơn như gạo tấm, gạo trắng khác... Lượng gạo này được nhập khẩu về để phục vụ cho việc sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi...

Tại sao Việt Nam nhập khẩu gạo?

Trong một báo cáo của Bộ Công Thương, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu. Giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV - từng trả lời Tiền Phong cho biết nhu cầu gạo cấp thấp trong nước là rõ ràng, để làm bánh, bún, chế biến thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá rất thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây.

Xuất khẩu top đầu thế giới, tại sao Việt Nam vẫn chi hơn nửa tỷ USD mua mặt hàng này?- Ảnh 2.

Việt Nam nhập khẩu gạo cấp thấp, gạo chất lượng cao được xuất khẩu.

"Đối với dòng gạo khô như IR50404, giai đoạn trước năm 2015 Việt Nam trồng nhiều nhưng rất khó bán nên các bộ ngành khuyến cáo chuyển sang trồng lúa chất lượng cao. Khi người dân chuyển dần sang phân khúc chất lượng cao thì gạo cấp thấp lại thiếu, nếu có trồng cũng giá rẻ nên nông dân bỏ dòng gạo này, nên phải nhập khẩu", ông Thành nói.

Đại diện doanh nghiệp này từng đề xuất có thể áp thuế để hạn chế nhập khẩu gạo, đồng thời cơ cấu lại sản xuất trong nước theo hướng, tại các vùng lúa 3 vụ chất lượng cao kém hiệu quả thì chuyển sang trồng trở lại lúa cấp thấp để bù cho sản lượng gạo phải nhập khẩu, cân bằng lại các phân khúc gạo, đáp ứng nhu cầu trong nước.

"Như chính sách của Trung Quốc là mua nếp nhiều từ Việt Nam, Thái Lan, Lào… nhưng trong nước vẫn trồng, khi có nước này áp thuế từ các nguồn nhập khẩu để hạn chế nhập vào", ông Thành dẫn chứng và cho rằng, bảo hộ cho người trồng lúa cũng là điều quan trọng nhất để giữ vững sản xuất lúa gạo.

Trong niên vụ 2023-2024, Việt Nam giữ vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. sau Ấn Độ và Thái Lan. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn.

Theo Dy Khoa

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên