Xuất khẩu trái cây: 80% là hàng tươi, có đáng lo?
Hơn 80% sản phẩm trái cây xuất khẩu của Việt Nam là hàng tươi nên chứa đựng nhiều rủi ro và thiếu bền vững.
- 12-06-2024Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu hơn 10 tỷ USD
- 12-06-2024Thay thế Trung Quốc, một mặt hàng của Việt Nam bất ngờ lên cơn sốt: Thu gần 300 triệu USD kể từ đầu năm, Campuchia, Hàn Quốc đều mạnh tay săn lùng
- 29-05-2024Một mặt hàng từ Ukraine đổ bộ Việt Nam với giá rẻ kỷ lục: Nhập khẩu tăng hơn 800% trong 4 tháng đầu năm, nước ta chi hơn 600 triệu USD mua hàng
Tháng 5/2024, xuất khẩu rau quả đạt 665 triệu USD, tăng 10,3% với tháng trước nhưng chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện cả nước đang bước vào đầu giai đoạn thu hoạch chính vụ nhiều loại cây ăn quả như vải, xoài, sầu riêng, mít, nhãn, thanh long…nên nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu rất cao.
Xuất khẩu hàng tươi chứa đựng nhiều rủi ro
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị cao vẫn là sầu riêng, thanh long, mít, chuối…
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, dư địa từ thị trường còn khá lớn, nhưng xuất khẩu rau quả vẫn còn nhiều thách thức và tồn tại cần khắc phục để đem lại giá trị cao hơn và bền vững hơn.
Bàn về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn cho biết, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.
"Xuất khẩu rau quả của nước ta có nguồn cung nội địa dồi dào, trong khi nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng rau quả còn chưa cao, sản phẩm chưa đồng đều và vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật", ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định thêm.
Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, chính vì sự tăng trưởng nóng, lợi nhuận cao của một số mặt hàng trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều mặt trái của ngành hàng này. Đó là sự tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến vi phạm các quy định của Nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cần mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, đa dạng được sản phẩm thay vì chỉ bán hàng tươi, hàng thô.
Có thể thấy, mặt trái cơ bản của chuỗi ngành hàng xuất khẩu trái cây là đang tồn tại sự cạnh tranh thiếu lành mạnh cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ, phân phối dẫn đến tình trạng chạy theo sản lượng mà bỏ quên chất lượng trong sản xuất.
Đáng chú ý, Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, hơn 80% sản phẩm trái cây xuất khẩu là hàng tươi là điều bất lợi. Vì như vậy, trái cây Việt sẽ gặp rất nhiều rủi ro, từ công tác thu mua, quá trình bảo quản, vận chuyển cho đến các khả năng xảy ra vi phạm về mã vùng trồng, an toàn và kiểm dịch..."Trái cây tươi có thời gian bảo quản rất ngắn nên cần bảo quản rất kỹ sau khi thu hoạch xong. Doanh nghiệp phải rút ngắn thời gian vận chuyển đến nơi tập kết, phải sắp xếp khoa học trong quy trình xuất hàng, đường đi của hàng hóa để kịp thời xử lý các sự cố, giảm thiểu rủi ro, ông Nguyên nhấn mạnh.
Xuất khẩu nông sản nói chung, trái cây nói riêng dưới dạng tươi sẽ tốn rất nhiều chi phí logistics, trong khi hàm lượng giá trị không cao, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát ở các thị trường tiêu thụ lớn thì đây là một bất lợi lớn. Ví dụ, một container sầu riêng xuất khẩu thì có tới hơn phân nửa là vỏ và hạt. Nếu có thể đưa vào chế biến thành sầu riêng tách múi hoặc các sản phẩm ăn liền thì 1 container thành phẩm sẽ tương đương với 3 container nguyên trái như hiện nay, từ đó giảm được rất nhiều chi phí. “Nhẹ” hơn về trọng lượng nhưng sẽ “nặng” hơn về giá trị.
Theo đại diện Hội Nông dân Long Khánh - Đồng Nai, nguy cơ vi phạm mã số vùng trồng với các loại trái cây tươi xuất khẩu khác cũng rất lớn. Trong khi đó, đến nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm phát triển nhanh mã số vùng trồng các loại cây ăn trái xuất khẩu và chúng ta cũng chưa có chế tài quy định việc xử lý vi phạm.
Chế biến sâu là chìa khóa đưa trái cây Việt ra thế giới
Vì vậy, để khắc phục hạn chế và tránh được những rủi ro nêu trên, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị xuất khẩu trái cây, đòi hỏi ngành hàng tỷ đô này phải mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, đa dạng được sản phẩm thay vì chỉ bán hàng tươi, hàng thô.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh chế biến sâu là bắt buộc để đưa trái cây Việt Nam đến khắp thế giới và gia tăng giá trị. Nhiều sản phẩm chỉ cần chế biến rất đơn giản cũng được thị trường ưa chuộng. Ví dụ như tại các siêu thị của Mỹ, những sản phẩm trái cây do Mexico cung cấp được kết hợp nhiều loại trái gọt sẵn, để đông lạnh được tiêu thụ khá nhiều. Chỉ với một khoản tiền vừa phải, người tiêu dùng được thưởng thức nhiều loại trái cây, lại rất tiện lợi.
"Doanh nghiệp cần đảm bảo giữ vững được chất lượng trái cây xuất khẩu. Đồng thời nâng cao hàm lượng chế biến và bắt đầu bằng những sản phẩm đơn giản trước, khi mà năng lực về vốn và công nghệ còn hạn chế. Ngoài ra, cần quan tâm đến thị hiếu của khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu", ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện các đối thủ của Việt Nam trong xuất khẩu trái cây tươi như: Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Do đó, doanh nghiệp Việt cần chú trọng xây dựng thương hiệu và đầu tư thích đáng về công nghệ.
Cũng theo bà Hương, tác động tiêu cực của El NiNo đã và đang làm sụt giảm nguồn cung rau quả toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu có sản phẩm chất lượng và chinh phục được các thị trường khó tính. Để nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cần tích cực trong vấn đề kí kết lại các đơn hàng. Cùng với đó, cần xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản Việt thâm nhập được vào các thị trường lớn.
Các chuyên gia khuyến cáo thêm, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các tổ hợp tác xã phải có những khuyến cáo, phổ biến các thông tin, xây dựng các quy trình để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định chặt chẽ về mặt chất lượng, để đảm bảo cho các sản phẩm đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nếu giải quyết được những điểm yếu đó, xuất khẩu rau quả hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, nâng cao năng lực chế biến để đạt mức tăng trưởng cao, lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay./.
VTV