Xuất nhập khẩu năm 2019: Lợi gì từ kim ngạch 500 tỷ USD?
Năm 2019, dự báo Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa gần 500 tỷ USD. Con số này năm 2020 dự báo sẽ tăng rất mạnh nhờ những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, Việt Nam thu được gì từ xuất khẩu tăng mạnh đang là câu hỏi lớn khi phần lớn kim ngạch đang nằm trong tay doanh nghiệp (DN) FDI?
- 06-12-2019ICAEW: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6,6% trong năm 2020
- 06-12-2019Lương 15.000 USD, vẫn "khát" nhân sự ngành công nghệ, số hoá
- 06-12-20195 ngành kinh doanh nào được chuyên gia dự báo sẽ phát triển bùng nổ trong năm 2020?
Lời cảnh báo từ sức mạnh của FDI
Số liệu của Bộ Công Thương cho hay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua đã đạt 473,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ đạt vượt con số 500 tỷ USD. Đây sẽ là thành tựu quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm. Các số liệu cũng cho thấy, với tổng kim ngạch đạt được theo dự báo, 2019 sẽ là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức khá cao, hơn 9,1 tỷ USD.
Về cơ cấu, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước tăng trưởng khá mạnh với mức 18,1% nhưng so với kim ngạch tăng chỉ 3,8% so với cùng kỳ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có thể thấy, sức mạnh của nền kinh tế đang phải dựa khá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Khối này nắm trong tay tới 166,7 tỷ USD trị giá xuất khẩu. Khối FDI chỉ chi 134,1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa và đạt mức xuất siêu 32,6 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước bị âm nặng về nhập siêu tới 23,5 tỷ USD.
Xét theo nhóm ngành hàng, dù đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng những vấn đề thực tại của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản đang có những dấu hiệu đáng lo về lâu dài. Những lời cảnh báo về việc doanh nghiệp không tận dụng được lợi thế xuất khẩu, tinh chế sản phẩm đang trở thành hiện thực khi kim ngạch của nhóm này sau 11 tháng đạt 23,13 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quần áo xuất khẩu của Công ty May 10 Ảnh: như ý
Có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2018. Trong đó, thủy sản giảm 2,3%, rau quả giảm 2,4%, cà phê giảm 22,2%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,3%. Một số mặt hàng tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch do giá giảm như: Hạt điều, hạt tiêu, gạo.
Theo các chuyên gia kinh tế, với những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tiếp tục thống trị. Đây là dấu hiệu mà Việt Nam cần đối mặt trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, các DN FDI đang có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta và gần như chiếm tỷ trọng tuyệt đối ở những ngành hàng công nghệ cao.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, điện thoại và linh kiện (chiếm 99,7% kim ngạch); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Riêng xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện cùng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giúp mang về gần 99 tỷ USD thì hầu hết trong số đó nằm trong tay các DN FDI.
Bên cạnh đó, trong 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, các DN FDI góp mặt ở hơn 20 mặt hàng. Các mặt hàng xuất khẩu mà DN FDI không hiện diện và khống chế thị phần chủ yếu liên quan lĩnh vực nông nghiệp như thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả…
Ngay trong lĩnh vực xuất khẩu giày dép, khối DN FDI trong ngành da giày cũng nắm hơn 70% tỷ trọng trong tổng kim ngạch chung 16,49 tỷ USD của toàn ngành. Với ngành dệt may, tình hình cũng không khả quan hơn, dù kim ngạch xuất khẩu đến nay đạt 29,8 tỷ USD, nhưng kim ngạch cũng chủ yếu rơi vào các DN FDI.
“Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cao nhưng chủ yếu nhờ xuất khẩu từ khối DN FDI, dù mừng, nhưng thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư
Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc ngày càng lớn vào khối FDI cũng đã được cảnh báo nhiều lần. Thậm chí, đến nay, nguồn thu chính của nhiều địa phương chỉ trông cậy vào những doanh nghiệp FDI quy mô lớn như: Bắc Ninh trông cậy vào Nhà máy Samsung; Vĩnh Phúc, Hải Dương trông vào Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford. Khi các DN này giảm lượng xuất khẩu, tiền thuế và các khoản thu của địa phương lập tức sụt giảm rất mạnh.
Tăng trưởng xuất khẩu nhờ các FTA
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cùng với sự thống trị của DN FDI trong xuất khẩu, Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều lực đẩy cho xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế trong các tháng qua, tất cả nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Đơn cử như xuất khẩu sang Nhật Bản 11 tháng tăng 7,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 2,5%; sang Nga tăng 9,1%; sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ...
Với các ngành hàng, lợi thế từ tận dụng các FTA để xuất khẩu cũng thể hiện khá rõ. Theo lãnh đạo Hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam (Lefaso), việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP) đã và đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành Da giày Việt Nam. Cụ thể ngành Da giày đã thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP tốt hơn. Xuất khẩu của ngành Da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại thị trường truyền thống như châu Âu; Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành tiếp tục có nhiều thuận lợi. Đa số doanh nghiệp da giày có lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những thuận lợi cho doanh nghiệp là giá nguyên vật liệu ổn định, không tăng so với cùng kỳ năm trước”, đại diện Lefaso cho hay.
Cũng theo vị này, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho ngành công nghệ cao nên đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada. Với những thuận lợi về thị trường, dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tận dụng, khai thác cam kết mở cửa thị trường từ các FTA cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua là khá tốt. Cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.
“Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng 32,9%; Mexico tăng 23,4%”, Bộ Công Thương cho hay.
Sớm thúc đẩy khối DN trong nước
Tại hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cảnh báo về sự phụ thuộc của khối DN FDI trong xuất khẩu. Theo ông Trần Tuấn Anh, đến nay khối FDI đã chiếm hơn 70% xuất khẩu. Điều này tạo ra tính bất ổn đối với việc xuất khẩu do sản xuất và xuất hàng đi của khối FDI phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Mỗi khi có biến động xảy ra với chuỗi cung ứng, thí dụ như chiến tranh thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn.
Về sự lấn át của các DN FDI trong xuất khẩu, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, đây là những con số thể hiện sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào DN FDI. Về lâu dài, đây sẽ là vấn đề rất lớn và cần có giải pháp sớm hạn chế sự phụ thuộc vào DN FDI. Theo ông Ngân, giải pháp duy nhất là quan tâm và có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ cho khối DN tư nhân, DN nhỏ và vừa phát triển.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cao nhưng chủ yếu nhờ xuất khẩu từ khối DN FDI, dù mừng, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, kéo theo nguy cơ Việt Nam dễ bị áp thuế hoặc đối mặt với các chính sách siết chặt hơn quy định về nguồn gốc hàng hóa.
Việc nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp FDI cũng là vấn đề rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2018, Samsung xuất khẩu đạt 60 tỷ USD, tương đương 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước nên suy cho cùng, chất lượng tăng trưởng không cao. “Khu vực FDI đang tăng lên nhanh chóng, khiến tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước giảm, trong khi sự chuyển dịch nguồn lực phát triển vẫn chủ yếu theo mệnh lệnh hành chính. Thực trạng này cho thấy, nền kinh tế kém năng động. Từ đó dẫn đến không có sản phẩm, ngành nghề và chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đây mới chính là những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển nội lực của nền kinh tế”, ông Cung nói.
Để giải quyết vấn đề, Việt Nam phải xây dựng được những doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có quy mô lớn, trở thành đối tác với doanh nghiệp FDI. Từ đó, xây dựng được chuỗi cung ứng, cụm liên kết, có sự chuyển giao. Để làm được, cần có những đòn bẩy mới trong cải cách môi trường kinh doanh đi kèm với việc Chính phủ thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Tính đến hết tháng 11/2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,7 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,8 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,4 tỷ USD), giày dép các loại (16,4 tỷ USD).
Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chính sách ưu đãi tài chính của Bộ Tài chính cho biết, đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI đang chậm lại, do doanh nghiệp khối này được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư lớn vào các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, khi đầu tư sang Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ trong nhiều năm, dù liên tiếp mở rộng đầu tư. FDI được kỳ vọng giúp giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng lao động người Việt tại doanh nghiệp FDI năm cao nhất cũng chỉ chiếm 6%.
Tiền phong