MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xúc tiến xuất khẩu thời hội nhập: Doanh nghiệp “tính kế” tăng nội địa hóa

Theo ông Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM): “Chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, áo tôi đang mặc là “Made in Vietnam” nhưng giá trị Việt trong đó không quá 3%. Hơn 97% còn lại là của các nước khác, trong đó chủ yếu của Trung Quốc”.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
111 bài viết

Các chuyên gia nhận định, để xúc tiến xuất khẩu (XK) và đón cơ hội từ các FTAs, các doanh nghiệp (DN) buộc phải có chiến lược gia tăng tỉ lệ nội địa trong mỗi sản phẩm.

9 năm, tổng kim ngạch thương mại tăng 2,94 lần

Tại Diễn đàn Xúc tiến XK Việt Nam (VN) 2016 vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tính từ thời điểm VN gia nhập WTO (2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của VN đã tăng lên 2,94 lần, từ mức 111,3 tỉ USD (năm 2007) lên mức 327,8 tỉ USD (năm 2015). Trong đó, nhập khẩu (NK) tăng 2,6 lần và XK tăng 3,3 lần, tương ứng với kim ngạch 165,7 và 162,4 tỉ USD vào năm 2015.

Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Thành, dấu mốc VN tham gia Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA) có nhiều ý nghĩa hơn so với WTO, cái nhìn về xúc tiến thương mại (XTTM) cần phải đầy đủ và toàn diện hơn. Ngoài ba đặc trưng “XK tăng rất nhanh, bùng nổ; XK phụ thuộc nhiều vào NK và XK phụ thuộc nhiều vào FDI”, ông Thành cho rằng XTTM ngoài XK còn phải quan tâm đến thị trường NK và hoạt động thương mại dịch vụ.

Dẫn chứng về lĩnh vực XK dịch vụ, ông Thành cho biết, các nước ASEAN thuộc loại thấp so với trung bình thế giới nhưng đáng nói, VN lại lọt top thấp nhất trong danh sách này. Ngoài ra, “trước đây, 65% hàng VN có chỉ số cạnh tranh lớn hơn 1 (nghĩa là có khả năng cạnh tranh - PV), nhưng chỉ số này đang giảm mạnh, từ 8-9 xuống còn khoảng 3” - ông Thành cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, riêng đối với mặt hàng dệt may, tuy chiếm tới 14% tổng kim ngạch XK nhưng khối DN FDI chiếm tới 60% giá trị XK. “Nói “người Việt dùng hàng Việt” nhưng nguồn gốc nguyên phụ liệu như bông sợi, vải áo, chỉ, cúc… vẫn phần lớn nhập từ Trung Quốc. May ra chỉ có hàng nông sản Việt phục vụ trong nước thì tỉ lệ người Việt dùng hàng Việt là 100%” - ông Thành ví von.

Phải có chiến lược gia tăng tỉ lệ nội địa

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa của VN nhằm “đón sóng” từ các FTAs, ông Võ Trí Thành cho rằng, trong giai đoạn 2017-2018, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng đối với các DN Việt, việc nâng cao tỉ lệ hàng hóa có xuất xứ trong nước là rất cần thiết. Đơn cử như dệt may là hàng tiêu dùng, DN VN có thể cạnh tranh rất tốt ở phân khúc trung lưu song việc chuẩn bị công nghệ và nhân lực sẽ là thách thức lớn nhất. “Các DN XK cần lưu ý đặc biệt đến yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ để có chiến lược đầu tư nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK”- ông Thành nói.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước, ông Thành cho rằng, bản thân DN phải tự vươn lên trong hội nhập, đặc biệt là cần học hỏi ngay chính các đối tác, đối thủ cạnh tranh của mình trong việc áp dụng công nghệ khoa học hiện đại vào sản xuất.

Để hỗ trợ cho các DN trong việc XTTM thời gian tới, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) - cho biết, trong năm 2016, Cục sẽ tiếp tục cung cấp, chia sẻ thông tin, phân tích thông tin các nhóm, ngành hàng với từng thị trường cụ thể, với những lợi thế cụ thể mới có được nhờ các Hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN XK.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ, để đạt được thành công các DN phải có sự hợp tác giữa DN trong nước và DN nước ngoài. “Khách quan mà nói, thị trường thế giới còn rộng lớn và đủ chỗ cho mọi DN, kể cả DN đã phát triển tốt và DN vừa và nhỏ. Nếu quyết tâm hội nhập, dám thay đổi, chắc chắn các DN sẽ tăng được sức cạnh tranh và khẳng định được vị thế ngay tại VN và trên thế giới” - Thứ trưởng Hải cho hay.

Theo Khánh Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên