MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu?

24-01-2022 - 18:18 PM | Thị trường

Một bức ảnh chụp các van, đường ống và đồng hồ đo tại một trạm nén khí gần Uzhhorod, Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Một bức ảnh chụp các van, đường ống và đồng hồ đo tại một trạm nén khí gần Uzhhorod, Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga và Ukraina gần đây trở nên căng thẳng. Các nhà phân tích nhận định một nhiều thị trường hàng hóa, từ giá lúa mì đến năng lượng và trái phiếu chính phủ của khu vực bằng USD hay các tài sản an toàn sẽ đều cảm nhận rõ tác động từ bầu không khí căng thẳng gia tăng giữa 2 bên.

1 / Tiền sẽ chảy vào những nơi trú ẩn an toàn

Lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và lãi suất sắp tăng đã khiến thị trường trái phiếu đang trải qua một tháng tồi tệ. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine hoàn toàn có thể thay đổi điều đó.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã chứng kiến ​​mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2016, trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hướng tới ngưỡng quan trọng 2%. Tại Đức, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên kể từ năm 2019 tăng lên trên 0%.

Một sự kiện rủi ro lớn thường khiến ​​các nhà đầu tư đổ xô trở về với trái phiếu – nơi đại diện cho tài sản an toàn nhất trên hành tinh, và lần này có thể cũng sẽ không có gì khác, ngay cả khi nếu Nga tấn công Ukraina có nguy cơ sẽ làm tăng giá dầu – và từ đó đẩy lạm phát tăng lên.

"Rõ ràng nếu Ukraine có vấn đề gì thì tốt nhất nên nắm giữ trái phiếu kho bạc, và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ lên tới 2%", Padhraic Garvey, người phụ trách bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Mỹ của ING cho biết.

Những nơi trú ẩn an toàn khác, bao gồm vàng – đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng – và đồng yen Nhật.

Xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu? - Ảnh 1.

Diễn biến thị trường một tháng sau khi xảy ra cẳng thẳng Nga – Ukraina.

2 / Thị trường ngũ cốc, nhất là lúa mì, sẽ bị xáo trộn mạnh

Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy ngũ cốc từ khu vực Biển Đen đều có thể gây ra tác động lớn đến giá cả và làm tăng áp lực lạm phát giá lương thực vào thời điểm mà vấn đề này đã trở thành mối quan tâm lớn thứ 2 trên toàn cầu, chỉ sau những thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID gây ra.

Bốn nhà xuất khẩu lớn - Ukraine, Nga, Kazakhstan và Romania – xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen, nơi có thể phải đối mặt với sự gián đoạn nếu xảy ra bất kỳ hành động quân sự hoặc lệnh trừng phạt nào.

Theo số liệu của Hội đồng ngũ cốc quốc tế, Ukraine được dự đoán là nước xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới trong niên vụ 2021/22 và là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ tư. Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.

Dominic Schnider, chiến lược gia của ngân hàng UBS, cho biết: "Rủi ro địa chính trị đã tăng lên trong những tháng gần đây ở khu vực Biển Đen, có thể ảnh hưởng đến giá lúa mì trong tương lai". Giá lương thực, thực phẩm thế giới năm 2021 đã tăng 28% lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ và dự báo sẽ chưa sớm hạ nhiệt.

Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) năm 2021 đạt trung bình 125,7 điểm, cao nhất kể từ khi đạt 131,9 điểm năm 2011.

Xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu? - Ảnh 2.

Giá lương thực tăng làm gia tăng áp lực lạm phát.

3 / Thị trường khí thiên nhiên và dầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề

Thị trường năng lượng có thể bị ảnh hưởng nếu căng thẳng giữa hai nước chuyển thành xung đột. Châu Âu phụ thuộc khoảng 35% vào khí đốt tự nhiên của Nga, chủ yếu được dẫn qua các đường ống xuyên Belarus và Ba Lan đến Đức, đường ống Nord Stream 1 đi thẳng đến Đức và các đường ống khác qua Ukraine.

Tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng khi ngoài việc châu Âu phụ thuộc vào Nga về khí đốt thì nguồn cung khí dự trữ hiện tại của khu vực này cũng đang ở mức thấp.

Vào năm 2020, khối lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm sau khi các đợt phong tỏa làm giảm nhu cầu, và cho đến năm ngoái dòng chảy khí từ Nga sang châu Âu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, đẩy giá khí lên mức cao kỷ lục.

Số liệu từ ngân hàng đầu tư Jefferies chỉ ra lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào khu vực Tây Bắc Âu từ tháng 8-12/2021 đã giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng dự trữ khí đốt ở châu Âu cũng thấp hơn mức trung bình 5 năm và giảm 21% tính đến ngày 12/1 vừa qua. Dòng khí đốt từ Nga vẫn ở mức thấp khi bước vào mùa lạnh năm 2021-2022 với lượng dự trữ thấp kỷ lục.

Nếu xảy ra trường hợp Nga tấn công Ukraina, xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ là một phần trong các biện pháp trừng phạt. Đức cho biết nước này có thể dừng đường ống khí đốt mới Nord Stream 2 mới từ Nga, đồng thời cũng nhấn mạnh việc Châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và trong trường hợp bình thường thì khối sẽ tăng nhập khẩu từ nguồn cung này.

Nhà phân tích hàng hóa của SEB, ông Bjarne Schieldrop, cho biết xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang Tây Âu qua cả Ukraine và Belarus có khả năng giảm đáng kể trong trường hợp xuất hiện các lệnh trừng phạt, và giá khí đốt có nguy cơ trở lại mức cao kỷ lục như quý 4/2021 – đã khiến giá điện ở đây tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Capital Economics dự báo, trong trường xung đột xảy ra, giá khí đốt ở châu Âu có thể sẽ vượt qua mức đỉnh 180 bảng Anh/MWh hồi cuối năm ngoái. Thậm chí, một số quốc gia phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga, đặc biệt là khu vực Đông Âu có thể bị buộc phải luân phiên cắt điện. Trong báo cáo mới nhất, Jefferies nhận định thời kỳ giá khí đốt tự nhiên cao sẽ còn kéo dài.

Thị trường dầu cũng có thể bị ảnh hưởng. JPMorgan cho biết căng thẳng giữa 2 nước có nguy cơ làm giá dầu "tăng đột biến" và lưu ý rằng việc giá dầu tăng lên 150 USD/thùng sẽ làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 xuống chỉ 0,9%, trong khi làm tăng gấp đôi lạm phát lên 7,2%.

Xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu? - Ảnh 3.

Giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu tháng 12/2021 đạt mức cao kỷ lục.

4 / Trái phiếu và tiền tệ khu vực bị xa lánh

Các tài sản của Nga và Ukraine sẽ đứng đầu danh sách các tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nếu xảy ra bất cứ hành vi quân sự nào giữa 2 bên.

Trái phiếu chính phủ bằng tiền USD của cả hai quốc gia vốn đã hoạt động kém hơn so với các đối tác của họ của họ trong những tháng gần đây khi bị các nhà đầu tư giảm tiếp cận trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và các đồng minh của Mỹ và Moscow. Lợi suất thực trái phiếu của cả Nga và Ukraina đều âm 7% từ đầu năm đến nay.

Các thị trường thu nhập cố định (fixed income markets – các khoản thu nhập cố định hàng tháng như bất động sản, trái phiếu, sổ tiết kiệm…) của Ukraine chủ yếu là điểm đến của các nhà đầu tư thị trường mới nổi, trong khi vị thế tổng thể của Nga trên thị trường vốn đã bị thu hẹp trong những năm gần đây trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và căng thẳng địa chính trị, nên giảm bớt nguy cơ ảnh hưởng lây lan qua các kênh này.

Tuy nhiên, đồng rouble của Nga và đồng hryvnia của Ukraine cũng bị ảnh hưởng, khiến hai đồng tiền này trở thành những đồng tiền hoạt động kém nhất trong nhóm các trường mới nổi từ đầu năm đến nay. Đồng rouble của Nga giảm 2% từ đầu năm, trong khi hryvnia của Ukraine giảm gần 4% kể từ đầu năm.

Nói chung, Chris Turner, người phụ trách thị trường toàn cầu của ING, cho biết vấn đề địa chính trị ở biên giới Ukraine-Nga cho thấy "những bất ổn đáng kể" đối với thị trường ngoại tệ. Theo ông: "Những sự kiện vào cuối năm 2014 nhắc nhở chúng ta về khoảng cách thanh khoản và việc nắm giữ USD đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của đồng rouble vào thời điểm đó".

Xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu? - Ảnh 4.

Trái phiếu Nga và Ukraina đã cảm nhận được độ "nóng" của căng thẳng giữa 2 bên.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã liên tục gia tăng trong những tháng gần đây. Các cuộc đàm phán mới diễn ra vào đầu tháng 1/2022 nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng đã kết thúc mà không có bất kỳ bước đột phá nào. Chính tình trạng đó đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Tham khảo: Refinitiv

https://cafef.vn/xung-dot-nga-ukraine-co-the-anh-huong-the-nao-den-thi-truong-tai-chinh-hang-hoa-toan-cau-20220124141707555.chn

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên