Xung đột với Hamas khiến thỏa thuận giữa Israel và Saudi Arabia có nguy cơ tan vỡ
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hy vọng kết thúc nhiệm kỳ bằng một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và Saudi Arabia, nhưng điều đó giờ đây dường như khó xảy ra. Xung đột Israel - Hamas cũng sẽ buộc các quốc gia Arab khác xem xét lại các quyết định gần đây về bình thường hóa quan hệ với Israel.
Theo tờ Politico ngày 12/10, thỏa thuận ngoại giao do Washington hậu thuẫn giữa Israel và Saudi Arabia sẽ có sự kiện quan trọng là trao đổi đại sứ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo. Nhưng do cuộc tấn công của Hamas và sự đáp trả của Israel, thỏa thuận này đang bị đe dọa.
Cuộc tấn công của lực lượng Hamas cũng sẽ buộc các quốc gia Arab khác phải xem xét lại các quyết định gần đây về bình thường hóa quan hệ với Israel.
Bahrain, Yemen, Liban, Syria và Jordan đều đã chứng kiến một số cuộc biểu tình ủng hộ Hamas. Nhưng khi thương vong gia tăng ở Gaza, những cuộc biểu tình này có thể sẽ lan rộng khắp thế giới Arab. Ước tính có khoảng 200.000 người Palestine ở Gaza đã phải tìm nơi trú ẩn tại các trường học do Liên hợp quốc điều hành và hàng nghìn người khác sẽ trở thành người tị nạn trong những ngày tới khi Israel trả đũa và săn lùng các tay súng Hamas.
"Hãy ra khỏi Gaza", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với người Palestine hôm 8/10. Lời khuyên của ông đã được các chỉ huy quân đội Israel lặp lại khi nói về các tuyến đường an toàn đến các bãi biển và cánh đồng trống ít có khả năng trở thành mục tiêu tấn công.
Khi quân đội Israel tấn công Gaza và có thể tiến hành một chiến dịch trên bộ, các nhà lãnh đạo Arab gần đây đã bình thường hóa quan hệ với nước này sẽ phải tìm cách kiềm chế áp lực đến từ “đường phố Arab”, vốn đang kêu gọi họ chỉ trích Israel và cắt đứt mối quan hệ mới với nhà nước Do Thái.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Maroc đều đã mở cơ quan đại diện ngoại giao ở Israel kể từ khi Hiệp định Abraham được ký kết vào năm 2020, và các chính phủ này vẫn chưa quyết định nên ứng phó như thế nào trước các sự kiện đang diễn ra nhanh chóng ở Gaza.
Không ai trong số họ ủng hộ Hamas và hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan của tổ chức này, nhưng nếu tâm lý chống Israel nổi lên trên toàn thế giới Arab, họ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa các đại sứ quán ở israel.
Vì vậy, khi cuộc khủng hoảng diễn ra, Saudi Arabia hiện phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cho đến gần đây, quốc gia này đã tham gia vào cuộc trấn áp các thủ lĩnh Hamas địa phương. Năm 2019, chính quyền Saudi Arabia đã bắt giữ Mohammed al-Khudari, 81 tuổi, đại diện hàng đầu của Hamas tại nước này, và kết án 15 năm tù. Theo Hamas, khoảng 60 người ủng hộ Hamas đã bị Saudi Arabia bắt giữ.
Nhưng gần đây hơn, Saudi Arabia đã thay đổi chiến thuật trong nước, áp dụng đường lối mềm mỏng hơn với Hamas. Ông Khudari và những người khác đã được thả khỏi các nhà tù của Saudi Arabia, trong khi các thủ lĩnh Hamas ở Qatar và Liban được phép tham gia vào cuộc hành hương đến Mecca.
Đằng sau những động thái này là hy vọng rằng đến lượt Hamas, sẽ giảm bớt những lời chỉ trích về việc Saudi Arabia nối lại quan hệ với Israel - và họ đã làm như vậy. Nhưng điều này có thể thay đổi sau ngày 7/10, khi những cú sốc chính trị mang tính địa chấn bắt đầu tác động đến khu vực.
Mọi giả định trước đây về cơ hội hòa bình giờ đây có nguy cơ bị xóa bỏ. Cuộc tấn công của Hamas là một bước ngoặt và quan trọng hơn, người dân Israel bình thường không có tâm trạng đàm phán hòa bình với các nước Arab sau những gì đã xảy ra. Họ chỉ đơn giản muốn đáp trả.
Nếu chính quyền Saudi Arabia tiếp tục chọn cách phớt lờ tâm lý ủng hộ Hamas và tiếp tục theo đuổi hy vọng bình thường hóa quan hệ với Israel, họ sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi từ công chúng Arab.
Ngược lại, nếu chính quyền Saudi Arabia từ bỏ quá trình bình thường hóa với Israel, họ có nguy cơ mất đi nhiều ưu đãi của Mỹ, bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung và cơ sở hạ tầng hạt nhân dân sự tương xứng với bất cứ thứ gì mà Iran đã phát triển cho đến nay.
Thật khó để tưởng tượng rằng chỉ một tuần trước, cả hai bên đã lặng lẽ kỷ niệm mối quan hệ đang nở rộ, với hai bộ trưởng trong nội các Israel đến Saudi Arabia trong các chuyến thăm riêng. Thành viên thứ ba trong nội các Israel, Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Idit Silman, cũng dự kiến đến Riyadh trong tháng này, nhưng chuyến thăm hiện khó có thể diễn ra.
Tóm lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hy vọng kết thúc nhiệm kỳ bằng một thỏa thuận hòa bình mới mang tính lịch sử giữa Israel và quốc gia Arab hùng mạnh và có ảnh hưởng nhất là Saudi Arabia, nhưng hy vọng đó giờ đang tan vỡ.
Báo tin tức