MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ý chí phi thường của bệnh nhân bại liệt, nằm một chỗ, thở bằng "phổi sắt" nhưng vẫn có được 3 bằng cử nhân

09-03-2018 - 13:03 PM | Sống

Ông Paul giờ đây đã hơn 70 tuổi và tính tổng cộng, ông đã sống hơn 65 năm trong chiếc "phổi sắt".

Đối với bất kì đứa trẻ 6 tuổi nào, việc vui chơi chạy nhảy và khám phá thế giới là một điều không thể thiếu trong cuộc sống của chúng nhưng đối với Paul Alexander lại khác.

Cuộc sống của Paul đã thay đổi hoàn toàn khi bị virus bại liệt tấn công.

Tưởng chừng như cuộc đời của Paul đến đó là chấm dứt, nhưng cùng với sự may mắn và ý chí nỗ lực không ngừng, Paul đã sống vượt lên cơ thể bất động của mình và có được 3 bằng cử nhân, trong đó có 1 bằng luật sư.

Trong quá trình điều trị bệnh, Paul đã không biết bao nhiều lần trải qua những phút vào sinh ra tử, bị đặt vào những trường hợp mà chỉ trong tích tắc, cuộc đời của ông sẽ bước sang một trang hoàn toàn khác.

Cụ thể sau 1 tuần phát bệnh, Paul đã được bố mẹ đưa vào bệnh viện và được kết luận đã chết vì bệnh bại liệt.

Sau đó, Paul được đưa vào một căn phòng đặc biệt, nơi có những đứa trẻ khác giống như mình và tại đây, một bác sĩ đã quyết định kiểm tra tổng quát lại cơ thể Paul và tìm thấy được một chút tia hi vọng rằng cậu bé có thể sống sót.

Vì Paul bị liệt từ cổ đến hết người nên không thể nào tự thở được. Paul được vị bác sĩ này đặt vào trong “phổi sắt’ - một thiết bị nặng tầm 500kg giúp bệnh nhân có thể thở dựa trên nguyên lý làm việc với áp suất không khí.

Một tuần sau khi được đặt vào trong chiếc máy này, Paul dần có lại nhận thức và bắt đầu cuộc sống trong chiếc “phổi sắt”. Paul cứ nằm trong chiếc máy đó từ năm 6 tuổi (năm 1952) mãi cho đến khi trưởng thành.

 Ý chí phi thường của bệnh nhân bại liệt, nằm một chỗ, thở bằng phổi sắt nhưng vẫn có được 3 bằng cử nhân - Ảnh 1.

Paul Alexander là một trong số ít bệnh nhân còn sử dụng "phổi sắt". (Ảnh: Internet)

Vì chiếc máy quá cồng kềnh nên nó đã gây không ít trở ngại cho Paul. Bố mẹ Paul sẵn lòng chu cấp cho Paul đến cuối đời nhưng chàng trai này lại không muốn vậy.

Mặc kệ tình trạng của mình, Paul vẫn muốn đi học đại học và dù không muốn nhưng bố mẹ của Paul vẫn đồng ý. Năm 1971, Paul đỗ đại học.

Bố mẹ của Paul đưa con đến phòng trọ của mình và không quên tạo một “cánh cửa thoát hiểm”.

Đó là một cây gậy nhỏ với một đầu được gắn vào điện thoại, một đầu được điều khiển bằng miệng của Paul và dặn dò nếu có việc gì xảy ra chỉ cần bấm nút điện thoại, bố mẹ sẽ đến đón Paul về ngay lập tức.

Tưởng chừng mọi chuyện sẽ êm đẹp từ đây, nhưng không, Paul lại bị Thượng đế thử thách thêm một lần nữa khi bạn cùng phòng của Paul dọn đến trễ hơn so với dự định 3 ngày.

Trong 3 ngày, sẽ không có ai biết đến sự hiện diện của Paul trong căn phòng và chàng trai cũng sẽ không làm gì được vì tình trạng của mình.

Ngày thứ nhất và ngày thứ 2 trôi qua, không một bóng người, không đồ ăn, nước uống, phương án cuối cùng của Paul chỉ còn là chiếc điện thoại nhưng vì muốn tự mình vượt qua khó khăn này, Paul đã dùng miệng đẩy cánh cửa thoát hiểm ra thật xa để không thể gọi điện cho bố mẹ.

“Thời gian đầu làm tôi cảm thấy rất hoang mang và sợ hãi, nhưng cha mẹ tôi đã dạy tôi phải kiên cường và Thượng đế đã dạy tôi phải có niềm tin.

Nên thay vì để căn bệnh quái ác này làm mình gục ngã, tôi quyết định chống trả lại nó một cách quyết liệt. Sống đến hiện tại tôi không thể không kể đến lòng tốt và sự giúp đỡ của tất cả mọi người mà tôi đã gặp”, Paul chia sẻ.

Vào đêm ngày thứ 3, Paul đã dần mất nhận thức, khi nghe tiếng ồn ở ngoài phòng của mình, Paul cứ ngỡ là những thiên thần đã được cử đến để đón mình.

Khi chàng thanh niên đang tự trấn an bản thân rằng: “Tôi chưa sẵn sàng, tôi chưa muốn đi”... thì cửa phòng bật mở và 2 thanh niên bước vào. Họ mới chuyển đến ngày hôm đó.

Hai người họ đã tìm thấy Paul và nhanh chóng đồng cảm trước vấn đề mà ông đang gặp phải.

Họ đã chăm sóc Paul trong suốt 2 tuần trước khi nhập học và còn làm một việc đáng quý là đi dán tờ rơi khắp khuôn viên trường đại học để tìm kiếm sự giúp đỡ cho người bạn cùng phòng.

Sau một khoảng thời gian chờ đợi, mọi cố gắng của họ đã được đền đáp khi một cô gái thuộc khoa điều dưỡng gõ cửa phòng họ và ngỏ lời chăm sóc cho Paul. Đúng như lời hứa, cô lo lắng, chăm sóc cho Paul suốt cả học kì.

 Ý chí phi thường của bệnh nhân bại liệt, nằm một chỗ, thở bằng phổi sắt nhưng vẫn có được 3 bằng cử nhân - Ảnh 2.

Paul trong những tháng ngày đại học. Ảnh chụp khi Paul đang được tập thở ngoài chiếc "phổi sắt" trong một thời gian ngắn. (Ảnh: Internet)

Với mọi sự giúp đỡ từ những người tốt bụng quanh mình, Paul đã bắt đầu hành trình học vấn 15 năm và gặt hái được 3 bằng cử nhân thật đáng tự hào.

“Mỗi lúc tôi tuyệt vọng hoặc cảm thấy muốn buông bỏ, luôn luôn có ai đó, hoặc một thứ gì đó ở bên cạnh và giúp tôi vươn lên, luôn luôn như vậy”, Paul chia sẻ. Ông Paul giờ đây đã hơn 70 tuổi và tính tổng cộng, ông đã sống hơn 65 năm trong chiếc "phổi sắt".

 Ý chí phi thường của bệnh nhân bại liệt, nằm một chỗ, thở bằng phổi sắt nhưng vẫn có được 3 bằng cử nhân - Ảnh 3.

Ông đã sống hơn 65 năm trong chiếc "phổi sắt". (Ảnh: Internet)

 Ý chí phi thường của bệnh nhân bại liệt, nằm một chỗ, thở bằng phổi sắt nhưng vẫn có được 3 bằng cử nhân - Ảnh 4.

Ông Paul uống nước và sử dụng máy vi tính khi đang nằm trong phổi sắt. (Ảnh: Internet)

Vào năm 2015, một biến cố khá lớn đã xảy ra, chiếc “phổi sắt” bị hư và vài bộ phận đã không còn hoạt động được, các bộ phận này hoàn toàn không có đồ thay thế bởi người ta đã ngưng sản suất chúng vào những năm 60.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của Paul nhưng ông vẫn chưa muốn từ bỏ. Với sự giúp đỡ của một người bạn, họ nhanh chóng đăng tải video tìm kiếm sự trợ giúp lên YouTube.

May mắn thay, sau một thời gian, một người thợ máy tên Brady Richards đã liên lạc với Paul và nói rằng anh muốn giúp đỡ, chiếc máy nhanh chóng được đưa về xưởng làm việc của Brandy và với tay nghề điêu luyện của mình, anh đã nhanh chóng sửa được chiếc máy và trả lại cho Paul.

“Đúng là một phép màu khi mà Thượng Đế đã cho tôi tìm được Brandy”, ông Paul chia sẻ.

Hiện tại, ông vẫn sống rất tốt với sự hỗ trợ của những thành viên từ hội từ thiện Waxahachie Rotary Club.

Trong vòng 60 năm qua, hội từ thiện này đã chung tay giúp đỡ những bệnh nhân bại liệt trên toàn thế giới, với phương châm hoạt động: “Lợi ích của cộng đồng hơn lợi ích bản thân” và đặt cuộc sống của nhưng bệnh nhân bại liệt lên hàng đầu.

Paul còn đang chuẩn bị xuất bản cuốn hồi kí của mình và bản thảo hoàn toàn được ông “gõ” bằng máy tính, sử dụng thiết bị mà cha mẹ đã làm để ông gọi điện thoại.

Theo Nhã Hạ

Helino

Trở lên trên