MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ý tưởng 120 tỷ USD đằng sau giải Nobel kinh tế năm nay

13-10-2020 - 11:03 AM | Tài chính quốc tế

Đấu giá diễn ra ở khắp mọi nơi và 2 nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay giúp chúng hoạt động tốt hơn.

Chắc hẳn nhiều người biết cảm giác phấn khích khi chiến thắng một cuộc đấu giá, chẳng hạn như mua một ngôi nhà, và ngay sau đó là việc vật lộn với suy nghĩ mình đã trả giá quá cao. Đó là lời nguyên của người chiến thắng. Điều đó hoàn toàn là sự thực. Khi bạn dừng lại để suy nghĩ, bạn nhận ra những lý do chính đáng mà nhiều người khác không sẵn sàng trả nhiều tiền như mình. Để chiến thắng, bạn chỉ cần thua.

Hiểu được lời nguyền của người chiến thắng và tìm cách tránh nó là một phần lý do khiến 2 nhà kinh tế Robert Wilson và Paul Milgrom của Đại học Stanford giành giải Nobel kinh tế năm nay.

Công việc của Wilson và Milgrom khác thường ở chỗ nó vừa mang tính lý thuyết, vừa mang tính thực tiễn cao. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã huy động được hơn 120 tỷ USD cho người trả thuế trong giai đoạn 1994-2014 bằng cách bán bớt tần số không dây thông qua một cuộc đấu giá do họ và Preston McAfee, sau đó là tại Đại học Texas, cùng thiết kế. Các hợp đồng thuê điện và dầu khí được bán theo cùng một ý tưởng. Nói rộng hơn, ý tưởng của 2 nhà kinh tế vừa đoạt giải Nobel giúp các nhà kinh tế hiểu về đấu giá mọi thứ, từ quảng cáo trên Internet đến tín phiếu kho bạc.

"Họ cung cấp cho các nhà nghiên cứu khác, bao gồm cả tôi, các công cụ về cách tiếp cận các thị trường đấu giá khác nhau", Nhà kinh tế học Jakub Kastl của Đại học Princeton, người đã làm việc với hai nhà kinh tế vừa đạt giải Nobel khi giảng dạy tại Stanford, nhận định.

Hãy trở lại với lời nguyền của người chiến thắng. Sự tồn tại của nó đã được biết đến trước khi công trình nghiên cứu của Wilson và Milgrom ra đời. Tuy nhiên, 2 nhà kinh tế này đã xây dựng lý thuyết giải thích nó xảy ra như thế nào, trong điều kiện nào và cách làm cho nó ít có vấn đề hơn.

Lấy trường hợp về người chiến thắng một cuộc đấu giá nhà. Wilson chỉ ra rằng nếu những người bỏ thầu nhạy cảm với nguy cơ mắc phải lời nguyền của người chiến thắng, họ sẽ giảm giá thầu xuống mức thấp hơn mức mà họ nghĩ căn nhà thực sự có giá trị. Trong trường hợp này, nếu họ thắng, họ sẽ ít có khả năng bị mua hớ.

Wilson chỉ tập trung vào trường hợp những người đấu giá chỉ quan tâm đến "giá trị chung" của ngôi nhà. Ví dụ, tất cả họ đều là những người lướt sóng, muốn mua nhà và bán lại nó để kiếm lời. Trong khi đó, Milgrom nghiên cứu nhiều trường hợp quan tâm đến giá trị chung của ngôi nhà nhưng cũng lưu tâm tới giá trị riêng của nó. Ví dụ, ngôi nhà trở nên đáng giá hơn với một người so với những người khác vì nó gần chỗ làm của người đó….

Milgrom cũng nhận thấy người bán sẽ bán được giá cao hơn nếu có thêm các thông tin giá trị (chẳng hạn như thẩm định độc lập) và nếu những người tham gia đấu giá tìm hiểu về cách ước tính giá của đối thủ trong quá trình đấu thầu.

Nhà kinh tế Robert Wilson nhận giải ở tuổi 83 trong khi nhà kinh tế Paul Milgrom nhận giải ở tuổi 72. Họ đều là giáo sư của Đại học Stanford. Người trẻ nhất được xướng tên năm 47 tuổi, và cao tuổi nhất là 90.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên