MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có cánh đồng mênh mông, kênh rạch chằng chịt, 1 tỉnh muốn dẫn đầu trong lĩnh vực VN xuất khẩu top 3 thế giới

Tỉnh có 48 nhà máy chế biến công suất thiết kế 294.000 tấn/năm, xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Bạc Liêu sẽ trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia sản xuất tôm hàng đầu thế giới. Trong số các tỉnh thành có sản lượng tôm lớn nhất Việt Nam, Bạc Liêu liên tục lọt vào top các tỉnh có sản lượng nuôi tôm nước ngọt đứng đầu cả nước.

Tỉnh Bạc Liêu nằm ở Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng, không có đồi, núi nên không có chấn động địa chấn lớn. Địa hình cơ bản là đồng bằng với các cánh đồng rộng mênh mông, sông rạch và kênh đào chằng chịt. Đây là điều kiện thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm.

Bạc Liêu hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối. Trong đó, tôm chiếm hơn 95% kim ngạch. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với thiết bị hiện đại, công suất 294.000 tấn/năm. Sản phẩm tôm được xuất đi các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới.

Có cánh đồng mênh mông, kênh rạch chằng chịt, 1 tỉnh muốn dẫn đầu trong lĩnh vực VN xuất khẩu top 3 thế giới- Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh. Ảnh: Báo Bạc Liêu.

Theo Cổng thông tin tỉnh Bạc Liêu, vừa qua, tỉnh đã tiến hành Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả 3 năm triển khai Đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước".

Thông tin từ hội nghị cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện đề án "Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước", tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành quả quan trọng với việc phát triển đồng bộ cả 3 lĩnh vực: Sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm và chế biến.

Đối với sản xuất tôm giống, Bạc Liêu là tỉnh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hơn 22% cả nước). Toàn tỉnh có 360 cơ sở sản xuất, ương tôm giống, công suất đạt 40 tỷ post/năm.

Đối với lĩnh vực chế biến, xuất khẩu tôm, sản lượng xuất khẩu tôm năm 2023 của Bạc Liêu đạt 96.980 tấn, tăng 29,5% so năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,03 tỷ USD tăng 27,37% so với năm 2020.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế 294.000 tấn/năm, thị trường xuất khẩu các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, …; hầu hết các nhà máy được đầu tư tương đối đồng bộ với dây chuyền hiện đại, công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Có cánh đồng mênh mông, kênh rạch chằng chịt, 1 tỉnh muốn dẫn đầu trong lĩnh vực VN xuất khẩu top 3 thế giới- Ảnh 2.

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Bạc Liêu đề ra mục tiêu thực hiện đề án " Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước " năm 2025 là sản xuất 40 - 45 tỷ con giống; diện tích nuôi tôm đạt 147.900ha, sản lượng tôm chế biến, xuất khẩu đạt 120.000 tấn, tổng sản lượng tôm xuất khẩu năm 2025 đạt 90.000 tấn và chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của cả tỉnh.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2026 – 2030 các sản phẩm thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD, sản lượng tôm đạt 341.000 tấn. Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản, 70% sản phẩm nuôi trồng thủy sản truy xuất được nguồn gốc.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cho biết, để thực hiện mục tiêu trở trung tâm ngành tôm của cả nước, là thủ phủ ngành tôm Việt Nam tỉnh cần tiếp tục đầu tư phát huy hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và mô hình tôm - lúa, tôm - rừng trên địa bàn tỉnh.

Tôm Việt Nam được xuất khẩu đi những đâu?

Số liệu từ Liên minh Thủy sản toàn cầu, năm 2023, sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn và đạt 5,88 triệu tấn vào năm 2024. Việt Nam cùng các nước Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cung ứng khoảng 74% sản lượng tôm cho toàn cầu.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%, đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, riêng xuất khẩu tôm thu về 2 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành thuỷ sản.

Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Con tôm của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… là những thị trường chi nhiều tiền nhất mua tôm Việt Nam.

Có cánh đồng mênh mông, kênh rạch chằng chịt, 1 tỉnh muốn dẫn đầu trong lĩnh vực VN xuất khẩu top 3 thế giới- Ảnh 3.

Công nhân chế biến tôm trong nhà máy

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của con tôm hùm Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) trong 7 tháng đầu năm đạt 399 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 303 triệu USD, tăng nhẹ 1%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 229 triệu USD giảm 3%; sang EU đạt 217 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam dự báo những tháng cuối năm nay xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, EU… sẽ tăng trưởng tốt do các nhà nhập khẩu thường tăng cường mua lượng lớn hàng để phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm.

Nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi và không có biến động gì tiêu cực, mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành tôm trong năm nay sẽ đạt được.

Theo Pha Lê

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên