Yêu cầu xem xét các kiến nghị liên quan đến dự án lấn sông Đồng Nai
Tỉnh Đồng Nai phải nghiên cứu kiến nghị của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam khi quyết định các vấn đề liên quan đến dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai...
- 05-08-2017Nên dừng dự án lấn sông Đồng Nai
- 27-05-2017Nguy cơ xóa sổ làng cá bè trên sông Đồng Nai
- 19-09-2016Sẽ có siêu đô thị dọc hai bên sông Đồng Nai
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết kiến nghị của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam liên quan đến dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của Mạng lưới Sông Ngòi Việt Nam trong quá trình xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7509/VPCP-NN ngày 18/7/2017, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phát triển bền vững.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã giao 4 Bộ giám sát chặt dự án này, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, bổ sung tính toán để đánh giá cụ thể, định lượng các tác động của dự án đến sông Đồng Nai.
Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai hay còn gọi là dự án “lấn sông Đồng Nai” do Công ty Cổ phần Toàn Thịnh Phát (thuộc tập đoàn Thành Thành Công) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Đồng Nai đồng ý để triển khai khu đô thị Pegasus Riverside.
Dự án có quy mô 8,4 ha (84.000 m2), nằm dọc theo sông Đồng Nai, trong đó diện tích lấn sông lên tới hơn 7,7 ha, chỉ có hơn 0,6 ha là đất hiện hữu. Dự án kéo dài hơn 1,3 km từ công viên Nguyễn Văn Trị (đối diện UBND tỉnh Đồng Nai) đến cầu Rạch Cát (phường Quyết Thắng), và lấn ra sông đoạn hẹp nhất là 30m, còn đoạn rộng nhất là 100m.
Dự án gây nhiều tranh cãi, bức xúc dự luận thời gian qua vì không công bố công khai các thông đến việc tham khảo ý kiến người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, các nhà chuyên môn, các tỉnh cùng chia con sông và các tổ chức liên quan, cũng như chưa có sự phân tích kỹ lưỡng hậu quả trước khi khởi công.
Công ty Toàn Thịnh Phát - chủ đầu tư dự án, cho hay dự án này triển khai trong 9 năm gồm 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 từ năm 2013 - 2016, kinh phí 416 tỷ đồng để lập thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường, làm hạ tầng… Giai đoạn 2 từ 2016 - 2019, kinh phí khoảng 800 tỷ đồng để phát triển khu thương mại, văn phòng, trung tâm mua sắm… Giai đoạn 3 đến năm 2022, kinh phí 800 tỷ đồng để làm cao ốc văn phòng, khách sạn, khu dân cư…
Do những tranh cãi gần đây, Công ty Toàn Thịnh Phát đã tạm ngừng thi công dự án này, để xin ý kiến các bên liên quan, nhằm làm rõ hơn các quy định, thủ tục pháp lý, cũng như đánh giá tác động của dự án. Tính đến ngày ngừng thi công, dự án trong suốt 6 tháng qua đã đổ đất đá xuống sông đến hơn 90%.
Theo nhóm nghiên cứu của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam(VRN), dự án đã được làm lễ khởi công ngày 17/9/2014, nhưng mãi đến ngày 15/1/2015 dự án lấp sông mới được cấp phép xây dựng.
Vneconomy