MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yêu hàng nội - mua hàng ngoại!

14-05-2016 - 09:04 AM | Thị trường

Các nhà bán lẻ Việt đang lo và thực tế đang thua “trên sân nhà” trước tham vọng và hành động của các công ty Thái Lan. Cùng sự thâu tóm của các đại gia Thái, hàng Thái ùa vào Việt Nam, đánh bật hàng Việt ra khỏi nhiều kệ hàng trong các siêu thị.

Dọc các chợ vỉa hè, “chợ chồm hổm” ở các quận huyện giàu sang hay nghèo hèn, hàng Thái cũng lấn lướt từ bưởi Thái đến mít Thái, bim bim Thái và nước uống Thái… được người giàu và người nghèo thành phố tôi tin dùng. Nhớ lại trước đây gần 30 năm khi sang Thái lần đầu, chúng tôi trò chuyện trong một quán phở Sài Gòn ở Bangkok rằng, người Việt Nam anh dũng, nhiều tướng tài, nhiều lãnh đạo giỏi nên đánh thắng mấy đế quốc to. Các bạn Thái lúc ấy cảm phục lắm.

Họ khiêm tốn nhận rằng, người Thái mấy trăm năm không được đánh nhau nên quân sự kém, lịch sử chả có chiến công nào. Lãnh tụ của họ - nhà vua - rất được tôn kính lại cũng là một họa sĩ nữa! Họ rất tự hào về điều đó, nhất là nhờ không phải đánh ai mà giữ được độc lập, là nước duy nhất trong khu vực không từng là thuộc địa của đế quốc thực dân nào. Đấy là thượng sách của các danh tướng theo Binh pháp Tôn Tử: Không đánh mà thắng mới là siêu! Ngay sau đó khi Việt Nam đổi mới, người Thái - tức các công ty tư nhân Thái - có “khẩu hiệu” nổi tiếng khi làm ăn với Việt Nam là: Biến chiến trường thành thương trường.

Tuy nhiên “chiến dịch này” - “trận đánh lớn” này của họ cũng không kém chông gai, gập ghềnh, không “ngon ăn” như họ tưởng. Hàng Trung Quốc siêu rẻ, bất chấp an toàn, chất lượng càn lấn khuynh đảo hai chục năm nay mới dần bớt hấp lực. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rồi Mỹ và Tây Âu kẻ nhanh chân hơn, kẻ tinh xảo khôn khéo hơn, kẻ mạnh tiền bạo gạo hoặc siêu công nghệ hơn đã biến Việt Nam thành thương trường hộ người Thái. Cho tới gần đây, tức sau gần ba thập niên chiến lược chiếm thương trường của Thái mới thành công bước đầu. Thực ra khi thương trường phát triển, tức là khi chất lượng nâng lên, giá cả giảm xuống, sức mua tăng thì doanh nhân có kẻ thắng người thua chỉ người mua luôn thắng! (ngược với chiến trường chăng?).

Một chị trên mạng trả lời thẳng thắn rằng: Tôi yêu hàng Việt, người lao động Việt, doanh nhân Việt và rất muốn ủng hộ họ, song tôi vẫn mua hàng ngoại vì tốt hơn, giá hợp lý hơn. Cùng một thứ nước giải khát mà của Thái ngon hơn, sạch hơn, an toàn hơn thì mình mua vì dù yêu hàng Việt đến đâu cũng không thể mua “chai nước có ruồi” made in Vietnam được. Đòi hỏi về an toàn và chất lượng đạt ra rất căng thẳng, cấp bách. Người tiêu dùng này đặt vấn đề phải nhanh chóng nâng cấp tiêu chuẩn Việt Nam. Và sớm công bố bộ tiêu chuẩn mới có so sánh với tiêu chuẩn các nước khác bởi người Việt vẫn đinh ninh, mặc định rằng, tiêu chuẩn Việt quá thấp.

Hàng chữ made in Vietnam thường đồng nghĩa với chất lượng thấp, (có lẽ ngang với made in China - mà lại giá cao hơn) không an toàn không thể so với các hàng chữ made in Japan, in USA… thậm chí made in Thailand.

Trên chợ vỉa hè hàng Thái thắng bởi người dân nghĩ tiêu chuẩn Thái tất cao hơn mình nên yên tâm, tin cậy khi lựa chọn. Câu chuyện bán lẻ và hàng giá rẻ thời sự đến mọi ngóc ngách cùng khổ nhất, nhếch nhác nhất của đô thị. Thương trường của đám đông kẻ bán người mua nghèo khổ nhất, dưới đáy cũng đã bị “người Thái chi phối” sau khi Trung Quốc yếu dần. Thời chiến người ta tẩy chay hàng của nước đối địch và để thúc đẩy sản xuất nội địa người ta kêu gọi lòng yêu nước. “I like hàng nội” - “Người Việt dùng hàng Việt” - Người Việt yêu nước phải yêu hàng Việt là những khẩu hiệu chính đáng. Vậy nhưng chiều hôm qua và sáng hôm nay tôi không thể dùng và yêu thứ được sự gian lận, lừa dối khi rau bẩn, không an toàn được dán nhãn “rau sạch rau an toàn Việt” trong các siêu thị Việt. Yêu nước trước hết ở người sản xuất và người buôn bán. Họ hãy trương khẩu hiệu: “Sản xuất - buôn bán - phục vụ hàng sạch hàng an toàn là yêu nước!” trước cổng nhà mình.

Nhìn rộng ra toàn xã hội muốn thoát khỏi bẫy trung bình tức sau thoát nghèo là làm giàu thì mọi sản phẩm made in Vietnam đều phải nâng cấp chất lượng theo một bộ tiêu chuẩn quốc gia mới: Từ tiêu chuẩn học vị tiến sĩ tới anh bảo vệ, từ cô văn thư tới ông bộ trưởng, từ cái củ cải, gói trà tới con heo, con bò, từ cái máy giặt, ôtô tới cái tầu ngầm tự chế… đều phải “đạt chuẩn mới”.

Còn lấy lượng bỏ chất, hạ chất lượng để tăng số lượng, tăng nhãn mác, chức vụ, danh hiệu thì còn ế hàng, thất nghiệp dài dài. Đến đây mới thấy dân yêu nước thật. Chê mọi thứ “hàng nội” - mua hàng ngoại là thái độ thành thực, yêu nước tích cực để làm áp lực buộc các bên chính quyền, doanh nghiệp, công sở, xưởng máy, đồng ruộng, biển đảo… phải được nâng cấp lên. Tình cảnh yêu hàng nội mà mua hàng ngoại, yêu làng quê mà muốn mất nửa triệu USD để nhập cư Hoa Kỳ, yêu trường em mà cầu du học Anh, Úc… toàn diện là một cơn sốt vỡ da để lớn lên. Đã thoát nghèo bằng quy mô, khối lượng, sự cần cù nay làm giàu phải bằng tiêu chuẩn cao, tăng năng suất và phát triển chất lượng. Cũng chị tiêu dùng trên khẳng định sòng phẳng: “Nếu hàng Việt chất lượng ngang hàng Thái tôi sẽ mua hàng Việt dù giá có cao hơn chút xíu cũng được”. Yêu hàng Việt đến thế là cùng.

Theo Nguyễn Bỉnh Quân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên