MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yếu tố cung cầu chỉ là một phần, đây mới là nguyên nhân khiến giá dầu âm trong phiên 20/4

21-04-2020 - 12:22 PM | Tài chính quốc tế

Biến động giá dầu hôm qua thể hiện rõ nét bản chất của thị trường tương lai, nơi có thể xảy ra những cú biến động rất mạnh về giá xoay quanh thời điểm hợp đồng đáo hạn.

Giá dầu vừa rơi vào tình trạng mà kể cả những người kỳ cựu trên thị trường cũng phải lắc đầu sửng sốt: hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn NYMEX giảm xuống mức âm.

"Dù 120 tuổi hay chỉ là đứa trẻ mới 20 tháng tuổi thì đều chưa từng chứng kiến giá dầu thấp đến vậy", Tom Kloza, nhà đầu tư đã có 40 năm hoạt động trên thị trường năng lượng và là chuyên gia phân tích của Oil Price Information Service nói với MarketWatch.

Giá dầu âm có nghĩa là người ở vị thế bán sẽ phải trả tiền cho ai đó để họ thanh lý hợp đồng và mua dầu, thay vì thu tiền về như thông thường. Giá dầu âm là dấu hiệu rõ ràng cho thấy triển vọng u tối của nền kinh tế bị hạ gục bởi đại dịch Covid-19. Và, giá dầu âm cũng cho thấy giá xăng có thể rẻ hơn nữa – điều có lợi cho những người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Và trên hết, giá dầu âm là biểu tượng cho thị trường con gấu lịch sử. Ngoài yếu tố cung cầu như nhiều bài viết đã đề cập đến, hiện tượng này thể hiện rõ nét những bản chất của thị trường tương lai, nơi có thể xảy ra những cú biến động rất mạnh về giá xoay quanh thời điểm hợp đồng đáo hạn.

Định nghĩa đối lập của "bán non"

Phiên 20/4, giá hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 đã đóng cửa ở mức -37,63 USD/thùng, tức giảm tới 55,9 USD, tương đương 306% trong 1 phiên. Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với giá được xác định trước.

Hợp đồng giao tháng 5 sẽ đáo hạn vào hôm nay 21/4, do đó bất kỳ nhà đầu tư nào vẫn ở vị thế mua ở thời điểm này sẽ phải chuẩn bị chỗ chứa để nhận hàng, ngược lại nhà đầu tư nào vẫn ở vị thế bán sẽ chuẩn bị để giao hàng.

Những gì diễn ra trên thị trường dầu tương lai hôm qua chính xác là ngược lại với khái niệm "bán non" (short squeeze) có thể quen thuộc hơn với các nhà đầu tư bán khống bên thị trường chứng khoán. Trong short squeeze, nhà đầu tư bán khống lo ngại sẽ không thể tìm được hàng để thực hiện hợp đồng và buộc phải đóng vị thế, khiến giá tăng mạnh. Còn hôm qua, những nhà đầu tư ở vị thế mua dầu ồ ạt tháo chạy khỏi hợp đồng giao tháng 5 vì lo ngại không thể tìm được chỗ chứa.

Cùng với đó, nhà đầu tư ở vị thế bán cũng bán lượng lớn hợp đồng hòng kiếm lời và khiến giá rớt thê thảm. Nếu bán khống giá 20 USD phiên 18/4, sau đó mua vào giá -36,9 USD để thực hiện hợp đồng giá 20 USD thì sẽ lời 56,9 USD mỗi thùng dầu.

Vì thế, sẽ là không hoàn toàn chính xác khi nói rằng diễn biến của thị trường hôm qua chỉ phản ánh chênh lệch cung cầu cơ bản.

Hiện tượng contango

Trên thị trường giao dịch hàng hóa tương lai, đôi lúc điều điên rồ có thể xảy ra khi hợp đồng tương lai gần đến ngày đáo hạn. Một khối lượng khổng lồ đã được chuyển từ hợp đồng giao tháng 5 sang hợp đồng giao tháng 6, dù giá giao tháng 6 cũng giảm 18%, xuống còn 20,43 USD/thùng.

Hôm qua thị trường còn xảy ra hiện tượng "contango", tức giá hợp đồng tương lai ở kỳ hạn xa hơn cao hơn đáng kể so với giá giao ngay và so với kỳ hạn gần hơn. Bình thường, mức chênh lệch giữa giá giao ngay và hợp đồng kỳ hạn 1 tháng chỉ vào khoảng 40-50 cent/thùng nhưng hôm qua đã vọt lên 8-10 USD/thùng.

Liệu trong vài tuần nữa các hợp đồng giao tháng 6 có gặp phải tình trạng tương tự? Từ trước cú giảm này thì một số loại dầu của Mỹ và Canada đã giao dịch ở mức gần 0.

Một số nhà đầu tư lạc quan lập luận rằng độ dốc của đường cong contango lần này – hiện hợp đồng giao tháng 12/2020 vẫn ở trên 32 USD/thùng – phản ánh thị trường vẫn kỳ vọng cuối cùng thì giá cũng sẽ hồi phục khi các nền kinh tế dần nới lỏng phong tỏa và nhu cầu tăng trở lại trong nửa cuối năm.

Trong hiện tượng contango, các nhà đầu cơ có thể kiếm được lợi nhuận rất cao nếu găm hàng, nhưng tất nhiên là chỉ khi người mua có thể tìm được nơi để trữ số dầu đó. Chiến lược mạo hiểm này phụ thuộc lớn vào sức chứa và chi phí chứa dầu, cũng như những thay đổi trong lực cầu toàn cầu.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn thì đang có áp lực rất lớn về nơi chứa dầu. Dữ liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh kỷ lục, đặc biệt là ở Cushing, trung tâm giao dầu cho các hợp đồng tương lai trên sàn NYMEX.

"Trong vài tuần tới nguồn cung sẽ vượt quá sức chứa, và tình trạng thị trường ngập dầu không hề có dấu hiệu cải thiện. Nếu mức độ duy trì như hiện nay, lượng tồn kho của Mỹ sẽ phá kỷ lục mọi thời đại trong 2 tuần nữa và hết chỗ chứa trong 8-9 tuần", chuyên gia Robert Yawger của Mizuho Securities nói.

Thu Hương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên