MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yếu tố nào hãm đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc?

29-05-2018 - 16:04 PM | Tài chính quốc tế

Người ta không khỏi đặt câu hỏi vậy cuối cùng kinh tế Trung Quốc sẽ quyền lực đến đâu trong tổng quan kinh tế thế giới.

Trung Quốc chứ không phải Mỹ mới là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù kinh tế Mỹ vẫn có quy mô lớn nhất nếu tính theo tỷ giá thị trường, thế nhưng nếu điều chỉnh với chi phí hàng hóa và dịch vụ tại Trung Quốc thấp hơn, kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn hơn 20% (tính theo sức mua tương đương). Và chỉ số sau quan trọng hơn.

Với tổng số dân gấp 4 lần so với Mỹ, cũng hoàn toàn hợp lý nếu kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn hơn kinh tế Mỹ, sẽ khó để một nền kinh tế công nghiệp nào trong đó có cả Mỹ có thể duy trì lợi thế năng suất lao động cao gấp 4 lần mãi mãi.

Đối với Trung Quốc, việc có quy mô lớn hơn Mỹ chắc không phải khó. Thế nhưng người ta không khỏi đặt câu hỏi vậy cuối cùng kinh tế Trung Quốc sẽ quyền lực đến đâu trong tổng quan kinh tế thế giới.

Tăng trưởng GDP Trung Quốc hiện đang duy trì ổn định ở mức khoảng 6,5%. Giả dụ rằng kinh tế thế giới tăng trưởng đều đặn 3%, tốc độ tăng trưởng 6,5% của kinh tế Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc đến năm 2029, kinh tế Trung Quốc sẽ tương đương 25% tổng quy mô kinh tế toàn cầu, và đến năm 2050, con số này sẽ lên mức 40%.

Và đến thập niên 2060, tức là khi những đứa trẻ vị thành niên ở thời điểm hiện tại vẫn còn sống, hoạt động kinh tế Trung Quốc sẽ có quy mô lớn hơn toàn thể nhân loại cộng lại.

Trong trường hợp của Mỹ, tỷ lệ GDP của Mỹ trong tổng quy mô kinh tế toàn cầu ngay cả ở thời điểm cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai cũng chưa bao giờ đạt mức 40% và trong thế kỷ 20 thường dưới mốc 25%. Nói cách khác, trong thế kỷ qua, Trung Quốc gần như có tầm ảnh hưởng về kinh tế tương đương với Mỹ.

Thế nhưng sẽ cực kỳ khó để duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% liên tục trong 4 thập kỷ. Nếu như vào năm 2011, GDP Trung Quốc tăng trưởng gần 10%, tốc độ tăng trưởng mà Trung Quốc từng có được nhiều lần trong 2 thập kỷ trước.

Có lý do để tin rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong thời gian tới. Dù nhiều số liệu công bố cho thấy Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến trong hết ngành này đến ngành khác, thế nhưng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục có nhiều hạn chế căn bản.

Theo hai chuyên gia về Trung Quốc, ông Damien Ma và ông William Adams viết trong cuốn sách công bố năm 2013, Trung Quốc sẽ phải đối diện với nhiều hạn chế trong 2 thập kỷ tới là thiếu một loạt yếu tố, từ lương thực, tài nguyên, đến nhà ở và thậm chí sự thống nhất chính trị. Và dường như những dự báo của họ đang trở thành sự thực.

Dù chính sách một con đã được thay thế bằng chính sách hai con, thế nhưng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc sẽ vẫn thấp dưới tỷ lệ tử. Sau nhiều thập kỷ áp dụng chính sách hạn chế số con được sinh ra, số lượng người trong độ tuổi lao động tại đất nước lớn nhất thế giới bắt đầu giảm.

Trung Quốc cũng không còn có thể được hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa. Khi người ta sống gần các khu vực đô thị, năng suất lao động tăng cao hơn bởi họ dễ dàng trao đổi hàng hóa và dịch vụ hơn. 4 thập kỷ qua, hàng triệu hàng triệu người Trung Quốc đã rời nông thôn, thị trấn nhỏ để ra sống ở các thành phố lớn, nhưng quá trình này đang dần kết thúc.

Chính sách đang thay đổi vì nhiều lý do. Chính quyền thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải đang cố gắng giảm bớt dân số, chính quyền Bắc Kinh thậm chí phũ phàng đuổi đi nhiều người lao động nhập cư. Nếu những người dân thành phố bị đẩy về các thành phố cấp thấp hơn, hậu quả kinh tế có thể không quá lớn, nhưng nếu họ quay về các thị trấn nhỏ, điều này sẽ hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Hạn chế thứ ba chính là vấn đề năng lượng. Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng than đá, thế nhưng do những mối lo về môi trường và tình trạng thiếu tài nguyên, tiêu thụ than đá tại Trung Quốc đã giảm đều đặn từ năm 2013.

Người Trung Quốc hy vọng sẽ thay thế than đá bằng năng lượng mặt trời giá rẻ và đồng thời tăng hiệu quả năng lượng, chính vì vậy việc thiếu than đá sẽ không khiến kinh tế chững lại, nhưng sẽ mất thời gian để thay đổi có thể được thực thi.

Ngoài ra còn nhiều mối lo khác. Doanh nghiệp Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn giá rẻ từ các ngân hàng của nhà nước, nhưng dòng chảy đó sẽ cạn dần khi ngày một nhiều nguồn vốn bị phân bổ sai chỗ.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào thực phẩm nhập khẩu cũng khiến Trung Quốc gặp khó. Cuối cùng, khả năng cải tiến công nghệ của Trung Quốc dựa trên việc đánh cắp ý tưởng công nghệ từ những nền kinh tế phát triển hơn không còn, tăng trưởng sẽ không dễ dàng như trước.

Chính vì vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ có thể có tầm quan trọng ngày một lớn trong kinh tế toàn cầu thế nhưng với quá nhiều hạn chế, khả năng thống trị ít xảy ra.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên