MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yuanta: "Chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm giống với giai đoạn tăng thần kỳ của chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), dự báo dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022"

Yuanta: "Chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm giống với giai đoạn tăng thần kỳ của chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), dự báo dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022"

Theo các chuyên gia của Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt đang có những điểm tương đồng với chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) giai đoạn 1985 - 1990. Khi đó, một nhà đầu tư đã mua và nắm giữ với giả định không sử dụng đòn bẩy có thể đã thu về số tiền gấp 12x so với khoản đầu tư ban đầu của họ chỉ bằng việc mua cổ phiếu trên thị trường TWSE trong giai đoạn 1985-1990.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo chiến lược thị trường chứng khoán năm 2022 nhấn mạnh câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ "Tiger-in-the-making" của thị trường Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn bất chấp các sự kiện tiêu cực về đại dịch trên toàn thế giới.

Tương đồng với giai đoạn tăng thần kỳ của chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đạt mức tương tự như thị trường Đài Loan (Trung Quốc) năm 1988, giai đoạn này thậm chí còn chưa đi hết một nửa quãng đường khi thời kỳ "bong bóng" diễn ra trong vòng 5 năm và thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã đạt đỉnh vào năm 1990. 

Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội – tăng gấp 12x (tính theo đồng nội tệ) trong giai đoạn 1985 -1990 với sự hỗ trợ từ các yếu tố tương đồng với Việt Nam hiện nay. 

Các điểm tương đồng đó là: Lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng; Nhà đầu tư kỳ vọng đồng nội tệ sẽ gia tăng sau nhiều năm GDP và thặng dư tài khoản vãng lai tăng trưởng ở mức cao; Nhóm dân số trẻ ngày càng hứng thú với thị trường chứng khoán, dân số giàu có ngày càng tăng,  Ít kênh đầu tư thay thế; Xu hướng mang tính văn hóa đối với việc đặt cược vào thị trường, tất cả những điều này dẫn đến thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng đột biến.

Yuanta: Chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm giống với giai đoạn tăng thần kỳ của chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), dự báo dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022 - Ảnh 1.

Nhiều điểm tương đồng giữa chứng khoán Việt Nam và Đài Loan trong giai đoạn này

"Những dấu hiệu này khiến thị trường Đài Loan (Trung Quốc) không còn liên kết với các yếu tố cơ bản và các mức định giá, vì thị trường đã tăng vọt lên mức đỉnh mà 30 năm sau đó mới có thể quay trở lại mức này. Đó là một giai đoạn không ổn định: cổ phiếu không chỉ tăng, ngay cả trong thời kỳ bong bóng diễn ra; mà một nhà đầu tư đã mua và nắm giữ với giả định không sử dụng đòn bẩy có thể đã thu về số tiền gấp 12x so với khoản đầu tư ban đầu của họ chỉ bằng việc mua cổ phiếu trên thị trường TWSE trong giai đoạn 1985-1990", the báo cáo của Yuanta. 

"Khả năng cao thị trường sẽ dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022"

Theo Yuanta Việt Nam, đây có thể không phải là thời điểm kết thúc đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đúng vậy, thị trường Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội hơn so với hầu hết các thị trường khác trong cùng khu vực Châu Á (thực tế là so với hầu hết các thị trường có thể đầu tư tại Châu Á) vào năm 2021, nhưng vẫn là một thị trường khá rẻ so với triển vọng tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam. 

Yuanta: Chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm giống với giai đoạn tăng thần kỳ của chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), dự báo dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022 - Ảnh 2.

VN-Index có đà tăng vượt trội hơn hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á

Hiện nay, tỷ lệ P/E dự phóng năm 2022 của VN-Index đạt khoảng 14.x, các bên kỳ vọng EPS sẽ tăng trưởng 24%. Đây không phải là mức định giá quá đắt, và thậm chí nếu các nhà đầu tư áp dụng phương pháp chiết khấu thị trường cận biên khi tái định giá thị trường Việt Nam cũng sẽ khó có thể xem đây là một thị trường với mức định giá cao. Vì thế, thị trường sẽ còn dư địa tăng trưởng đáng kể trong vòng 12 tháng tới.

Yuanta: Chứng khoán Việt Nam có nhiều điểm giống với giai đoạn tăng thần kỳ của chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), dự báo dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022 - Ảnh 3.

Mức PE của chứng khoán Việt Nam qua các năm

Mục tiêu của Yunata Việt Nam đặt ra cho VN-Index vào cuối năm 2022 là 1.898 điểm, tương ứng với mức tỷ suất sinh lời trong 12 tháng là 29%. "Con số này khá cao so với các bên, nhưng chúng tôi cho rằng đây là mức hợp lý khi xem xét đến những giả định tích cực về điều kiện thị trường tức là mức tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản và tâm lý thị trường". 

Theo Bloomberg, các bên kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2022 sẽ đạt 25% và năm 2023 đạt 21%. Yuanta cho rằng thị trường chứng khoán không chỉ là nơi để "đánh cược", mà còn là cơ chế chiết khấu lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai về hiện tại và họ sử dụng P/E dự phóng như một chỉ báo định giá là một phương pháp hợp lý khi thiết lập mục tiêu cho chỉ số VN-Index. Mục tiêu chỉ số đạt 1.898 điểm vào tháng 12/2022 dựa trên tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng (tức P/E năm 2023) đạt 14.7x và P/E lũy kế (tức P/E năm 2022) đạt 17.8x. Cả 2 tỷ lệ P/E này đều tương ứng với mức trung bình trong dài hạn của thị trường. Tỷ lệ PEG năm 2023E đạt 0,7x ở mức hợp lý. 

Từ đó, rủi ro cơ bản trọng yếu đối với mục tiêu tăng giá là lợi nhuận tăng trưởng dưới kỳ vọng, vì lợi nhuận thấp có thể sẽ khiến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước trở nên tiêu cực và mức định giá lũy kế giảm. 

"Khả năng cao thị trường sẽ dao động từ 1.850 – 1.950 điểm năm 2022", Yuanta nhấn mạnh. 

Ba động lực thị trường tăng mạnh năm 2022

Theo Yuanta Việt Nam, thị trường kỳ vọng tăng năm 2022 dựa trên quan điểm rất tích cực đối với triển vọng năm 2022 nhờ vào 1) nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận), 2) điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp), và 3) tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục).

Yuanta cho rằng rủi ro dịch bệnh sẽ giảm vào nửa cuối năm 2022, khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng lên cao hơn. Dự báo tăng tưởng GDP đạt 6 – 7% là khả quan do giá trị xuất khẩu nguyên vật liệu công nghiệp sẽ tăng vọt và điều này sẽ giúp phục hồi tâm lý của người tiêu dùng.

Thanh khoản thị trường cũng sẽ duy trì ổn định. Lãi suất tiền gửi có thể vẫn ở mức thấp trong năm 2022 do chính sách tiền tệ vẫn còn nới lỏng và chủ yếu tập trung vào tính bền vững trước tác động tiêu cực của đại dịch.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng nhà nước (NHNN) là lãi suất phi rủi ro trên thực tế đối với các nhà đầu tư cá nhân trong nước – những nhà đầu tư này ít có động lực mua trái phiếu chính phủ có mệnh giá là đồng VND với lãi suất thấp.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp đồng nghĩa với chi phí cơ hội sẽ giảm đi khi phân bổ vốn đầu tư vào các lớp tài sản khác, và các kênh đầu tư thay thế của hầu hết các nhà đầu tư cá nhân chỉ giới hạn ở tài sản, kim loại quý (và đối với nhiều nhà đầu tư khác là tiền điện tử), và cổ phiếu niêm yết. Điều này khiến số lượng tài khoản mở mới và nhu cầu vay ký quỹ gia tăng nhanh chóng.

Theo quan điểm của Yuanta, thanh khoản thị trường tăng mạnh là một điểm sáng và đà tăng vẫn chưa kết thúc: giá trị giao dịch bình quân tính theo ngày trong tháng 11 là 1,8 tỷ USD - một kỷ lục mới, giúp xác nhận sức mạnh động lượng của thị trường.

Tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân có thể vẫn sẽ tích cực đối với thị trường chứng khoán do giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022 với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước, trái ngược hoàn toàn với sự kiện các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. 

"Việc khối ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam rõ ràng không gây tác động tiêu cực đến khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư trong nước đã mở đến 1,3 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán trong 11 tháng vừa qua. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng trong những tháng gần đây. So sánh với mức thanh khoản thị trường cao kỷ lục trong tháng 11, số lượng tài khoản mở mới trong tháng này nhìn chung khá cao so với các giai đoạn khác", báo cáo nêu. 

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán Việt Nam đã được mở trong tháng 11 đạt 221.314 tài khoản, đây là tháng có số lượng tài khoản mở mới cao nhất từ trước đến nay. Một số lượng tài khoản không xác định trong số các tài khoản này thuộc về các nhà đầu tư đang tìm kiếm nguồn vay ký quỹ do nguồn vốn dùng để cho vay ký quỹ của nhiều công ty chứng khoán quy mô lớn một lần nữa lại đạt đến ngưỡng giới hạn. Nhưng bất kể số lượng nhà đầu tư F0 so với số lượng các nhà đầu tư nắm giữ nhiều tài khoản cùng lúc có là bao nhiêu thì những tài khoản mới này có khả năng vẫn đang hoạt động.

Kết quả là tổng số lượng tài khoản hiện đã vượt hơn 4,1 triệu (tăng từ mức 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020). 

"Có một số lượng nhà đầu tư nhất định sở hữu nhiều tài khoản cùng lúc, nhưng nếu chúng tôi đơn giản hóa vấn đề này, thì 4,1 triệu tài khoản trên tương ứng với 4% dân số Việt Nam", Yuanta nhấn mạnh. 

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên