MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yuebao - Ví tiền trực tuyến “tự đẻ ra tiền", quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới và cuộc cách mạng tài chính của Jack Ma

22-09-2017 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Nền tảng Yuebao của Jack Ma đã trở thành quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới với số vốn vượt mức 170 tỷ USD và trực tiếp trở thành mối đe dọa của ngành Ngân hàng truyền thống Trung Quốc.

Tại trạm tàu điện ngầm lớn nhất Thượng Hải, một bảng quảng cáo với nội dung hấp dẫn thu hút sự chú ý của nhiều người "Ví Tiền Alipay. Ví Điện Tử Đẻ Thêm Tiền Cho Bạn”.

Nghe như là một phép màu nhưng đó là những gì ngân hàng đã thực hiện bấy lâu nay với lãi suất trả cho số tiền trong tài khoản nhàn rỗi của bạn. Điều khác biệt duy nhất là Alipay không phải là dịch vụ của một ngân hàng, mà nó là dịch vụ của gã khổng lồ Alibaba – công ty công nghệ lớn nhất và tham vọng nhất thế giới.


Tiền đẻ ra tiền – Tiện lợi như một phép màu công nghệ

Tiền đẻ ra tiền – Tiện lợi như một phép màu công nghệ

Làm thế nào để một ví tiền trực tuyến có thể tạo ra thêm tiền cho người sử dụng? Alipay đã đơn giản hóa điều đó. Người dùng Alipay chỉ cần đăng nhập vào tài khoản sẵn có, chuyển ít nhất 1 Nhân dân tệ (gần 3.500 VNĐ) từ tài khoản Alipay vào tài khoản Yuebao và sau đó chỉ việc đợi lãi suất được cộng dồn vào.

Giao dịch này có thể dễ dàng thực hiện trên máy tính hoặc ứng dụng điện thoại và bất cứ lúc nào bạn cũng có thể rút tiền ra hoặc nạp thêm vào tài khoản mà không phải chịu bất kì ràng buộc gì. Người dùng được hưởng ngay lãi suất trong suốt quá trình gửi tiền tại Yuebao, cho dù chỉ là 1 ngày.

Đơn giản là thế, nhưng mô hình này “mém” chút nữa phải đi theo số phận của vô số nền tảng tài chính trực tuyến đã thất bại, nếu không có sự “chống lưng” từ Alibaba. Jack Ma đủ thông minh để nhận ra rằng ông đang ngồi trên một mỏ vàng chưa được khai thác từ Alipay.

Kể từ khi các nền tảng và ứng dụng thanh toán trực tuyến trở nên thông dụng tại Trung Quốc, người dùng thường xuyên dự trữ 1 khoản tiền trong tài khoản Alipay của mình, thay vì tài khoản ngân hàng như lúc trước, để có thể nhanh chóng thực hiện các thanh toán trực tuyến. Điều đó vô tình biến Alipay thành một quỹ tiền nhàn rỗi khổng lồ.

Jack Ma không chỉ nhận ra được cơ hội để tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi này mà còn tiến thêm một bước nữa để thúc đẩy người dùng tích trữ nhiều tiền hơn qua Yuebao. Tưởng chừng như số lượng giao dịch của hàng triệu người dùng sẽ làm chùn bước dự án này nhưng một lần nữa Alibaba đã chứng minh điều ngược lại. Hơn 300 triệu người dùng Yuebao có thể dễ dàng chuyển và rút tiền vào mọi lúc với số lượng bất kì chỉ bằng vài động tác.

Yuebao - quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới

Với hơn 170 tỷ USD vốn vào quý 1 năm 2017, Yuebao đã trở thành quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới mặc dù lãi suất đã có phần giảm so với lúc trước. Với 300 triệu người dùng vào đầu năm nay, Yuebao hiện có số vốn cao hơn cả tập đoàn tài chính lừng lẫy JP Morgan.

Lãi suất hiện tại của Yuebao là 3,9%/năm, thấp hơn 40% so với mức lãi cao kỷ lục vào năm 2014. Tuy nhiên, mức lãi này vẫn cao hơn nhiều lần khi so với các Ngân hàng thương mại, cộng với khả năng giao dịch dễ dàng, không ràng buộc thời gian rút và nạp, số lượng người dùng Yuebao ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, mức lãi suất khá thấp như trên không đồng nghĩa với việc gửi tiền ở Yuebao không đi kèm bất cứ rủi ro nào. Yuebao cũng như bao quỹ tiền tệ khác sẽ chịu rủi ro về mức lãi suất và khả năng thanh khoản. Nếu thị trường và lợi nhuận sụt giảm, các nhà đầu tư sẽ ngay lập tức rút hết tiền ra, tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008.

Yuebao - mối đe dọa của Ngân hàng truyền thống

Khi mới xuất hiện trên thị trường, Yuebao đưa ra mức lãi suất cực kỳ hấp dẫn là 6%/năm so với mức 0,5% mỗi năm của các ngân hàng nội địa Trung Quốc. Tuy hiện tại mức lãi suất đã không còn cao như trước nhưng lãi của Yuebao vẫn cao hơn nhiều lần so với các Ngân hàng.

Yuebao từng thu hút 100 tỷ nhân dân tệ từ hơn 29 triệu khách hàng chỉ trong vòng 6 tháng khi ra mắt. Và sự thành công đó là một tin rất xấu cho các Ngân hàng truyền thống.

Ngân hàng truyền thống thường kiếm lợi nhuận từ phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay ngân hàng và lãi suất huy động vốn từ cộng đồng. Sự xuất hiện của Yuebao đã ngay lập tức phá hỏng mô hình kinh doanh này.

Bằng cách gọi một số tiền khổng lồ từ rất nhiều các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên khắp Trung Quốc, Yuebao nắm giữ một khối lượng tiền lớn và qua đó thương lượng cho các ngân hàng vay lại với một lãi suất cao hơn. Tiếp theo đó, Yuebao sẽ chia đều phần lãi suất cao này về cho các người dùng.

Dưới một góc nhìn khác, Yuebao đã cướp lấy một phần lợi nhuận của ngân hàng khi biến các tài khoản nhỏ lẻ với lãi suất thấp thành một tài khoản khổng lồ với mức lãi suất cao hơn.

Dường như nhận ra được khả năng “quấy rối” của Yuebao, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra một số điều luật để kìm hãm sự tung hoành của công ty này.

Chẳng hạn như số tiền tối đa của một tài khoản Yuebao đã bị giảm từ 1 triệu Nhân dân tệ xuống chỉ còn 250.000 Nhân dân tệ, hoặc một tài khoản Yuebao chỉ có thể thực hiện được nhiều nhất 3 giao dịch rút và nạp tiền trong 1 ngày.

Và các quy định trên chỉ kiềm hãm được một chút tốc độ phát triển Yuebao. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2017, Yuebao đã tăng trưởng ít nhất 79% so với cuối năm ngoái.

Cho đến lúc này, mục tiêu chính của Yuebao chỉ là những đối tượng nhỏ lẻ và nhắm tới việc huy động vốn để đem lại lãi suất cao hơn cho người dùng. Nhìn chung, Yuebao đang chỉ “phá bĩnh” một phần trong hoạt động của ngành ngân hàng truyền thống.

Tuy nhiên, Ant Financial của Alibaba và Tencent đã lần lượt thành lập ngân hàng cho riêng mình với tên gọi là MYbank và WeBank. Một khi những gã khổng lồ công nghệ này bước vào thị trường Ngân hàng, nhiều sự đột phá hứa hẹn sẽ còn diễn ra.

Theo Lê Thanh Sang

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên