Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với WB về thuế tài sản
Qua các góp ý của chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu đầy đủ về chính sách thuế tài sản, lựa chọn các phương án phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam.
- 26-05-2018Bộ trưởng Tài chính: Không tăng thuế giá trị gia tăng, tiếp tục nghiên cứu thuế tài sản
- 10-05-2018Đại diện Tổng cục Thuế: "Người công tâm sẽ thấy đánh thuế tài sản là hợp lý!"
- 26-04-2018Hà Nội, TP HCM: Nhà phố 200 m2 có thể phải nộp cả trăm triệu đồng thuế tài sản/năm
Được tổ chức theo đề nghị của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhằm lắng nghe kinh nghiệm của các quốc gia, tổ chức tài chính - kinh tế trên thế giới khi thực hiện chính sách thuế tài sản, cuộc làm việc diễn ra vào chiều ngày 7/6 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng, ông Vũ Viết Ngoạn.
Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), thuế tài sản không chỉ là nguồn thu mà còn là công cụ góp phần nâng cao tính công bằng và hiệu quả, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, góp phần phát triển thị trường nhà đất, cơ sở hạ tầng.
Chuyên gia của WB đánh giá nếu thực hiện chính sách thuế này, Việt Nam còn nhiều dư địa khi hiện nay thuế tài sản chỉ chiếm 0,04% GDP, trong khi ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi tỷ lệ này là 0,5% và ở các nước đang phát triển là 2%.
Căn cứ vào dự thảo chính sách thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới công bố gần đây, WB cho biết có khoảng 1,8 triệu hộ gia đình (7,2% số hộ) sẽ chịu tác động của thuế này và đánh giá thuế nhà ở tác động rất nhỏ tới hộ nghèo (khoảng 23.000 hộ) và đóng góp khoảng gần 3.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ số thuế nhà phải nộp so với thu nhập của hộ nghèo (0,83%) lại cao hơn tỷ lệ này của hộ gia đình giàu có (0,58%).
Do vậy, phía WB cho biết số thu từ chính sách này ở Việt Nam sẽ không lớn, trong khi chi phí quản lý thuế là không nhỏ (chiếm từ 10- 20% số thu). Để thực hiện, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục gia cố chính sách thuế theo từng giai đoạn, xem xét cách tính thuế theo giá trị tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ giá trị tài sản,...
Đặc biệt ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhấn mạnh lợi ích của chính sách thuế tài sản không thể chỉ hướng tới nguồn thu mà phải đi kèm với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở với người dân trong sử dụng số thuế này đầu tư vào hạ tầng. Việt Nam cũng không nên thực hiện chính sách thuế này một cách đơn lẻ mà đặt trong cải cách hệ thống chính sách tài chính nói chung thì mới đạt được mục tiêu.
Đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại diện WB tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát các chính sách thuế nói chung trong thực hiện tái cơ cấu thu, chi ngân sách, tăng cường cải cách hành chính, cắt giảm chi phí quản lý chính sách thuế.
Qua các góp ý của chuyên gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với WB, các tổ chức quốc tế để nghiên cứu đầy đủ về chính sách thuế tài sản, lựa chọn các phương án phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.
Phó Thủ tướng mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam về cải cách chính sách thuế nói riêng và xây dựng thể chế kinh tế nói chung.
Chinhphu.vn