MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1/3 người TPHCM và 1/5 người Hà Nội sống không có hộ khẩu

5,6 triệu người tại các địa bàn khảo sát không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú. Con số này bao gồm 36% dân cư của TPHCM và 18% dân cư ở Hà Nội.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Có ít nhất 5,6 triệu người tại địa bàn khảo sát hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú (và chỉ đăng ký tạm trú).

Trong đó, có 36% dân cư ở TPHCM và 18% ở Hà Nội. Đa số làm việc ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo, và chiếm tới 3/4 tổng số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài ở các tỉnh thành khảo sát (gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông).

Khả năng tiếp cận của họ tới các dịch vụ như trường học công, mua bảo hiểm y tế và thậm chí cả việc đăng ký xe máy đều bị hạn chế.

Theo báo cáo, trẻ em đăng ký tạm trú ít có khả năng được nhận vào học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, và 1/4 số trẻ tạm trú vẫn không có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù có chính sách trên toàn quốc về việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi.

Lý do chính của tình trạng trên là do tình trạng hộ khẩu của các em, báo cáo cho biết.

Việc đăng ký hộ khẩu bị siết chặt hơn với Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 trước lo ngại về tình trạng đô thị hóa quá nhanh gây sức ép về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội của các thành phố.

Các yêu cầu đối với hộ khẩu thường trú bị thắt chặt hơn, đáng kể nhất là yêu cầu phải sống liên tiếp 2 năm ở thành phố trực thuộc trung ương thay vì chỉ 1 năm như trước đó.

Riêng với Hà Nội , Luật Thủ đô năm 2012 còn thắt chặt hơn nữa với yêu cầu phải sống liên tiếp ở thành phố 3 năm, đồng thời có các yêu cầu tối thiểu đối với nhà ở cần thiết cho những người muốn xin nhập hộ khẩu.

Hệ thống hộ khẩu ra đời từ 50 năm trước như là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư. Ngày nay, người dân có những quan điểm khác nhau về hệ thống hộ khẩu, và đa số đều cho rằng hệ thống này cần được nới lỏng hơn do đã hạn chế quyền lợi của người di cư và tạo cơ sở cho tiêu cực tham nhũng.

“Ngày nay, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam, vốn đang trải qua những thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế”, ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết.

“Hệ thống này cần được thay thế bởi một công cụ hiện đại và khoa học hơn, thông qua đó tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân.”

Theo Bảo Bảo

Trí Thức Trẻ/ Cafebiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên