1 năm sóng gió của Hoà Bình (HBC): Xung đột thượng tầng, trận chiến tại gói thầu 35.000 tỷ, thua lỗ, nợ nần… và ánh sáng cuối đường hầm
Xoay vần cho đến giữa tháng 10, Công ty dần công bố những thông tin tích cực, tháo gỡ từ từ các nút thắt.
- 11-12-2023Nhiều doanh nghiệp phải “bán mình”, dùng cổ phần để cấn trừ nợ: Từ thép, gỗ đến bất động sản, 'khủng' nhất là Xây dựng Hòa Bình (HBC)
- 04-12-2023DN trên sàn của ông Lã Giang Trung bán hết CTD, HBC, VHM và SZC, mang hết tài sản uỷ thác cho ông chủ đầu tư và cho cổ đông vay
- 20-11-2023Hòa Bình (HBC) bớt 21,5 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ, lộ diện 2 NĐT ngoại muốn mua phát hành riêng lẻ gấp đôi thị giá
- 01-11-2023Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã lỗ lũy kế gần 3.000 tỷ đồng, nợ vay tài chính gấp 14 lần vốn chủ sở hữu
Năm 2023 sắp khép lại, hơn cả giai đoạn Covid-19, đây là năm “tưởng không khó song lại khó không tưởng” với toàn bộ nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt là Xây dựng Hòa Bình (HBC): không chỉ bị ảnh hưởng do thị trường trì trệ, dự án bất động sản đóng bắng, nhà thầu này còn trải qua biến cố xung đột thượng tầng.
Cùng nhìn lại 1 năm đầy sóng gió của HBC.
31/12/2022: Xung đột thượng tầng nổ ra
Ngày cuối năm 2022 và đầu năm 2023, HBC bất ngờ công bố thông tin “hai chiều” về việc bầu Chủ tịch HĐQT Công ty. Trong khi 4 thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine (đã rút khỏi HBC) đề nghị ông Lê Viết Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu là ông Nguyễn Công Phú. Thì hướng ngược lại, ông Lê Viết Hải khẳng định việc ông Phú làm vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình hoàn toàn không trái pháp luật.
Hai phe phản pháo quyết liệt trên các kênh truyền thông. Đến tháng 5/2023, HBC tuyên bố đã giải quyết xong "nội chiến" với phần thắng, theo đó loạt cá nhân thuộc phe đối lập lần lượt bán hết cổ phần và rút khỏi Công ty.
ĐHĐCĐ thường niên hôm 27/6/2023: Được thông qua phút cuối, bất ngờ tăng mạnh chỉ tiêu kinh doanh và tuyên bố Liên doanh Hoa Lư
Những tưởng biến động đã qua, xong Tập đoàn tiếp tục đối mặt với thử thách khi ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 27/6 gặp sự cố. Được biết, Đại hội lần này đặc biệt quan trọng, mục đích nhằm thông qua loạt quyết định quan trọng về bộ máy HĐQT cũng như định hướng kinh doanh. Tuy nhiên, do không đủ tỷ lệ tham dự khiến Đại hội kéo dài nhiều tiếng đồng hồ vẫn chưa bắt đầu. Đến hơn 16h cùng ngày, Đại hội mới chính thức được thông qua phút cuối.
Tại đây, HBC gây bất ngờ khi trình kế hoạch kinh doanh 2023 mới, được điều chỉnh tăng so với trước đó với doanh thu 12.500 tỷ đồng (tăng 5.000 tỷ so với kế hoạch trước đó) và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng (tăng 25 tỷ so với kế hoạch trước đó). Cơ sở cho chỉ tiêu trên bởi HBC dự tổng giá trị trúng thầu vào mức 17.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại Đại hội năm nay của HBC lần đầu xuất hiện đại diện của loạt nhà thầu lớn gồm: ông Bolat Dusienov - Chủ tịch HĐQT của Coteccons, ông Trần Quang Tuấn - Chủ tịch Công ty xây dựng Central cùng đại diện An Phong… tham dự. Đây cũng là mở đầu cho thông tin thành lập Liên doanh Hoa Lư – đấu thầu siêu dự án Sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng.
Cơn bĩ cực chính thức bắt đầu: Thất bại tại dự án Long Thành, thua lỗ kỷ lục, nợ gấp 15 lần vốn chủ
Rất tự tin song Hoa Lư sau đó thất bại một lần nữa đưa HBC vào thế khó. Dự án mới không có, các dự án hiện tại bị đình trệ do thị trường bất động sản đóng băng khiến dòng tiền Công ty cạn dần. Có giai đoạn, HBC còn đối mặt với làn sóng biểu tình đòi nợ từ các nhà thầu phụ, nhà cung cấp.
Ghi nhận BCTC kiểm toán năm 2022, HBC lỗ kỷ lục 2.570 tỷ đồng, nguyên nhân chính do phải trích lập dự phòng nợ khó đòi (gần 1.700 tỷ). Cuối năm 2022, nợ phải trả của Công ty lên tới 14.375 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn.
Sang 9 tháng đầu năm 2023, tình hình vẫn chưa khá khẩm hơn khi Công ty lỗ tiếp 880 tỷ đồng, đưa tổng lỗ lũy kế 2.980 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 30/9/2023 chỉ còn 352 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Công ty này ở mức 5.150 tỷ đồng, gấp 15 lần vốn chủ sở hữu.
Lúc bấy giờ, HBC chấp nhận 2023 sẽ khó đạt đế hoạch, tiếp tục thua lỗ do những dự kiến trong năm không thành. Nguyên nhân, kế hoạch bán Công ty Matec thu về hơn 1.000 tỷ không thành (do đối tác cũng gặp khó khăn), cũng như chủ trương thanh lý các dự án bất động sản khác cũng vướng pháp lý nên chưa thể thu hồi được tiền.
Thậm chí, HBC được biết còn trễ lương 3-4 tháng, giảm 50% lương nhưng nhân viên vẫn tận tâm làm việc, điều này khiến Chủ tịch rất cảm kích.
Ánh sáng cuối đường hầm
Xoay vần cho đến giữa tháng 10, Công ty dần công bố những thông tin tích cực, tháo gỡ từ từ các nút thắt.
Thứ nhất, dư nợ ngân hàng: HBC cho biết đã trả khoản nợ 1.327 tỷ đồng tại 7 ngân hàng. So với thời điểm 31/12/2022, HBC còn dư nợ tại 7 ngân hàng với tổng số tiền 4.756 tỷ đồng. Tín hiệu tích cực này có được nhờ HBC ráo riết thu hồi nợ, bao gồm: (i) thắng kiện và thu hồi công nợ từ tập đoàn FLC 304 tỷ, (ii) CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị dự thanh toán số tiền gần 162 tỷ; (iii) Công ty TNHH Vì khoa học dự thanh toán cho HBC số tiền hơn 100 tỷ đồng….
Thứ hai, dư nợ nhà cung cấp và thầu phụ: Công ty đã đạt được thoả thuận với 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ sẽ hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu với giá phát hành 12.000 đồng/cp. Theo kế hoạch (mới điều chỉnh), HBC sẽ phát hành gần 252,5 triệu cổ phiếu, trong đó có 32,5 triệu cổ phiếu là phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ. Được biết, Công ty có giảm số lượng phát hành cấn trừ nợ so với kế hoạch ban đầu do đã thanh toán nợ cho một số chủ nợ, một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ.
Ngoài ra, với số tiền hàng ngàn tỷ phát hành cho đối tác ngoại HBC cũng dự dùng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty với các ngân hàng, trong đó hơn 1.754 tỷ đồng là trả gốc và lãi cho Ngân hàng BIDV, gần 998 tỷ đồng trả cho Ngân hàng VietinBank, 158 tỷ trả gốc và lãi cho Ngân hàng MSB, 136 tỷ trả cho NCB, còn lại trả cho VPBank và SeABank.
Cuối cùng, đường lối kinh doanh: theo chia sẻ mới nhất, HBC cho biết trong bối cảnh còn khó khăn sẽ cố gắng tăng thu (thu hồi nợ) và giảm chi. Hiện, thị trường dù thử thách như HBC vẫn có khách hàng truyền thống cũng như uy tín của Công ty trên thị trường. Do đó, HBC sẽ củng cố xây dựng dân dụng, song song phát triển mảng hạ tầng công nghiệp trong nước. Hơn hết, HBC phát triển mạnh ra nước ngoài.
Chủ tịch HBC là ông Lê Viết Hải cho biết HBC vẫn đang tái cấu trúc sản phẩm. Dự kiến, 2024 sẽ năm đầu tiên HBC ghi nhận doanh thu từ thị trường xuất khẩu. Dài hơi đến năm 2028, HBC tham vọng tăng doanh thu 5 lần, lên 2 tỷ USD. Đặc biệt, doanh thu thị trường nước ngoài năm này sẽ chiếm 50%.
Theo ông Hải, HBC đang có cơ hội tốt ở Úc, Mỹ, Vanuatu, châu Phi. Trong đó, châu Phi là thị trường tiềm năng nhất. HBC đánh giá châu Phi là thị trường tiềm năng, lực lượng lao động còn dồi dào trong khi các nước khác dự ghi nhận tăng trưởng nguồn lực lao động là âm trong những năm tới.
Mới đây, HBC đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024, trong đó doanh số 10.800 tỷ và LNST 433 tỷ đồng. Đây cũng chính là kế hoạch đề ra cho năm 2023 song nhiều khả năng năm nay HBC chưa thực hiện được.
Nhịp sống thị trường