1 status, 2,5 nghìn bình luận: Màn phản biện tử tế và chỉn chu từ học sinh trường chuyên
Sau tất cả, tư duy phản biện được coi là hiệu quả nhất là tư duy phản biện chính mình.
- 09-06-2023Học sinh trường chuyên: "Làm người bình thường trong một tập thể giỏi vẫn hơn"
- 09-06-2023Trường chuyên khó vào, học mệt nhưng vì sao vẫn 'hot'?
- 08-06-202317 sự thật 'ai-cũng-biết' về trường Ams - ngôi trường chuyên hàng đầu cả nước
“Chiến tranh phi nghĩa” (unjust war).
Chẳng hiểu sao, tôi lại bất giác nghĩ về thuật ngữ “chiến tranh phi nghĩa” khi bắt đầu đặt bút viết bài này. Và với bản tính tò mò, hiếu thắng của bản thân, không dễ gì mà tôi để một luồng sáng kiến vừa xoẹt ngang qua não mình trôi tuột đi một cách vô nghĩa được. Thế là, tôi đã tự mình tìm hiểu về nó, về cái cách nó được tạo ra và được người ta định nghĩa như thế nào. Sau tất cả, tôi thích nhất cách gọi tên thuật ngữ “unjust war” của một vị có học hàm tiến sĩ Lịch sử mà tôi quen: “Chiến tranh phi nghĩa là một cuộc chiến được gây ra trái với luật pháp quốc tế và các giá trị đạo đức phổ quát của nhân loại”.
Dù sao thì đó cũng là câu chuyện của lịch sử, câu chuyện của trăm năm, thậm chí ngàn năm về trước. Nhưng ở cái thời 4.0, khi mọi thứ đều được trải phẳng ra, khi mọi kết nối với nhau đều gói gọn thông qua một thao tác “chạm”, thì chỉ vì một bài đăng của một vị tiến sĩ giáo dục với tựa đề: “Vì sao tôi không cho con học trường Ams”, mà một cuộc chiến phi nghĩa đột ngột bị “châm ngòi”. Có khác chăng, lần này không phải là “unjust war” giữa các nước với nhau, mà là “unjust war” giữa những tranh cãi về hệ tư duy: Trường chuyên - lớp chọn.
Nghe thì có vẻ chẳng liên quan, nhưng bằng một cách nào đó tôi lại thấy màn “giật dây” tranh cãi (không biết do vô tình hay cố ý) của vị chuyên gia tâm lý về chuyện học trường chuyên này lại thật giống với một cuộc chiến phi nghĩa. Bởi nó không đáng được xảy ra nhưng lại phải xảy ra chỉ vì một bài đăng “vu vơ” kể về hành trình “phá công cuộc vào Ams của con” từ 8 năm về trước: Con muốn thi vào Ams - nhưng vị này không đồng tình - không cho con đi học thêm - con thi trượt - chuyển sang học trường không chuyên khác.
Câu chuyện đáng lẽ chỉ dừng lại có vậy, câu chuyện thuộc về quá khứ đã kết thúc từ 8 năm về trước, nhưng lại bị “đào lại” và làm nảy sinh một cuộc tranh luận không đáng có giữa học sinh học trường chuyên với những người chỉ nhìn thấy mặt trái của học sinh trường chuyên. Chẳng phải phi nghĩa thì là gì?
“Nguyên lý mồi lửa”
Trong bài đăng trên trang cá nhân của mình, nữ chuyên gia tâm lý này có chỉ đích danh “trường Ams” (ý chỉ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Ở phía mình, vị này liên tục đưa ra các lý lẽ ủng hộ cho ý kiến vì sao không cho con học Ams. Còn ở phía đối diện, những người ủng hộ việc học trường chuyên - đa phần là các bạn học sinh/ cựu học sinh của Ams - những người gián tiếp hứng chịu mũi rìu chỉ trích, cũng đứng lên để bảo vệ quan điểm của mình.
Khi nữ tiến sĩ khẳng định: “Ams cấp 3 học theo chuyên từng môn. Nghĩa là môn chuyên sẽ học nhiều hơn môn khác, đặc biệt là các môn được coi là rất phụ như Sử Địa. Tớ lại nghĩ, dốt mới cần học. Dốt môn gì, học môn đó. Nếu học môn giỏi, bỏ môn dốt thì dốt vẫn hoàn dốt”.
Thì ở chiều hướng ngược lại, các bạn học sinh phản pháo: “Cháu học trường Ams nhưng cháu học đều tất cả các môn, điểm GPA các môn khác của cháu thậm chí còn cao hơn cả môn chuyên”.
Khi vị chuyên gia tâm lý này lập luận: “Tớ không cho X (con vị Tiến sĩ đã thay đổi so với tên thật - PV) đi học thêm dù 1 buổi ở bất kể đâu. Thi Ams mà không học thêm thì cầm chắc là trượt. Và... X đã trượt ở môn chuyên (các môn khác đủ đỗ)”.
Thì ở chiều hướng ngược lại, các bạn học sinh đáp trả: “Cháu nhà nghèo, không học thêm học nếm học lò gì mà vẫn đỗ cô ạ. Sau khi học Ams xong, cháu còn trúng tuyển vào Đại học Cambridge cơ”.
Tóm lại, một lời lẽ đưa ra lại nhận được một lời bình phản lại. Họ đối đáp, phản biện lẫn nhau bằng những ngôn từ đanh thép. Hai bên đều có lý lẽ của riêng của mình, không ai chịu thua ai.
Đi sâu hơn dưới góc nhìn của vị tiến sĩ, môi trường học tập của chuyên Ams rất cạnh tranh. Học trong một môi trường như thế sẽ khiến con sống mệt mỏi. Bất kể lúc nào cũng phải học và học, áp lực thi cử sẽ không tốt cho tâm lý của con. Đã thế học ở chuyên là “học lệch”, mà vị này quan niệm, chỉ có dốt mới cần học, dốt môn gì học môn đó… Với bằng ngần ấy định kiến cá nhân, nữ chuyên gia đã quyết phá công cuộc thi vào chuyên của con bằng cách “không cho” đi học thêm. Và rồi, con vị này thi trượt và phải chuyển hướng sang một ngôi trường không chuyên khác.
Còn dưới góc nhìn của các bạn học sinh, một người không học Ams ngày nào thì không có cơ sở để đánh giá về Ams như thể mình rất hiểu về nó. Nói cách khác, chỉ những ai đã nỗ lực vượt qua “cuộc chiến” với hàng nghìn học sinh ưu tú khác để được vào Ams mới có quyền lên tiếng về mặt trái - mặt phải; cái tốt - cái xấu của trường. Phải chăng, nữ chuyên gia đang tự vỗ về chính mình về việc con không đỗ trường chuyên, rồi coi mọi thứ là bàn đạp để “flexing” (một thuật ngữ của Gen Z ý chỉ sự phô trương nhưng theo cách khéo léo) bản thân với tuyên ngôn, con tôi không học trường chuyên nhưng vẫn thành công đấy thôi.
Quay ngược trở lại với nguồn cơn gây ra "cuộc chiến phi nghĩa" chúng ta đang nhắc đến ở đây, sau tất cả, ai mới là người ”châm ngòi” trước? Hãy nhớ rằng, mọi sự vật sự việc đều không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi. Chúng luôn bắt nguồn từ ít nhất một tác nhân nào đó, sau một quá trình dài o ém như mồi lửa ủ trong tro tàn, nó sẽ vỡ lở ra. Mồi lửa sẽ thức dậy dưới lớp tro khi bắt gặp được những vật dễ bén, rồi cháy bùng lên. Phải chăng, tôi gọi đây là “nguyên lý mồi lửa”?
Chẳng có ai tự nhiên “dựng đứng” lên để đòi quyền lợi của mình, chẳng có ai tự nhiên mưu cầu sự tranh luận từ người khác, tất cả đều bắt nguồn từ một nguyên nhân nào đó. Từ “chuyện bé” xé ra thành “chuyện to”, từ một mồi lửa trở thành đám cháy lớn, từ những chủ kiến cá nhân trở thành nỗi bức xúc của cả một đám đông tập thể… Mọi thứ đều bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất, chẳng hạn như một “mồi lửa” cũng nên.
Tranh biện
Tranh biện (debate).
Theo từ điển Cambridge, “debate” là thảo luận về một chủ đề theo hướng trang trọng (nguyên gốc: To discuss a subject in a formal way). Định nghĩa về từ “debate” có rất nhiều, nhưng nếu xét trên khái niệm tôi đưa ra ở trên thì đây được định nghĩa theo mức độ C2 - một mức độ cao nhất trong việc đánh giá từ vựng theo thang đo quy chuẩn về độ khó của ngôn từ.
Còn về mục đích, tranh biện được đưa ra nhằm thuyết phục phe đối lập rằng bạn đúng. Khi 2 bên đồng ý về chủ đề hoặc khi lập luận của một bên thuyết phục hơn bên còn lại thì đó là lúc cuộc tranh biện đi đến hồi kết. Trong một cuộc debate chính thức, một người hòa giải sẽ đứng ở giữa quyết định xem ai là người chiến thắng.
“Formal” - trang trọng, chính thức, nghi lễ, thể thức… ngay ở trong chính khái niệm đã thể hiện rõ được tính chất của nó. Nhưng tại sao tôi không sử dụng định nghĩa “bình dân” hơn khi nhắc đến thuật ngữ “debate”? Nguyên do là bởi, chỉ có sử dụng định nghĩa này, tôi mới có thể lột tả được hết độ xuất sắc của các bạn học sinh trong việc đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm của mình dưới bài viết của vị chuyên gia tâm lý. Không sử dụng từ ngữ toxic, không cãi cùn cãi lý, mọi lập luận được các bạn đưa ra đều gãy gọn, xác đáng, chỉn chu.
Trong đó, một comment mà tôi tình cờ lụm nhặt được, cũng là bình luận mà tôi yêu thích nhất của một bạn học sinh không phải học chuyên Ams, chỉ đơn thuần là học sinh chuyên. Trích đoạn như sau:
“.... Việc cô bẻ gãy cánh con mình ngay từ đầu bằng việc để chỉ tự ‘cố đấm ăn xôi’ chính là cách cô phản đối quyết định của con mình từ đầu. Cô biết thừa môi trường chuyên là cạnh tranh, nhưng vẫn để con ‘đơn phương độc mã’ lao vào cuộc chiến nắm bắt phần thua. Thế có phải cô đã làm tổn thương con mình không?...”
Rồi một lập luận đanh thép khác: “... Việc cô bóp nát giấc mơ của con mình từ đầu chẳng qua chỉ là để thể hiện cô chẳng tôn trọng ước mơ của con cái, chẳng chịu lắng nghe con. Bởi đến một giáo viên ở trường còn có thể lắng nghe con cô tốt hơn cô cơ mà”.
Lời đáp trả của vị tiến sĩ: “(lược đoạn đầu)... Chốt lại, con cô không oán cô, đấy mới là điều quan trọng. Còn cháu nghĩ gì là tùy cháu”.
Tôi sẽ không bàn luận đến cách đáp trả của nữ tiến sĩ bởi như một lẽ hiển nhiên, “con cô không oán cô” vì đó là “con của cô”. Với tôi, cách lập luận xác đáng, cách viết bài chỉn chu của học sinh trên mới là điều đáng chú ý hơn cả. Sau khi lập luận, ở cuối bình luận của mình, em còn lịch sự nói: “Nếu cô thấy có gì cháu nói chưa phải, cô có thể bình luận thêm để cả cô cháu mình cùng có góc nhìn đa chiều hơn ạ. Dù sao cháu cũng cảm ơn cô vì chủ đề này cũng rất đáng để bàn luận”.
Ngay sau khi đọc xong comment này, tôi liền nhắn tin để hỏi han về em, xin em được phỏng vấn một vài câu ngắn gọn. Nhưng em thỏ thẻ, em chỉ là một học sinh bình thường, nghĩ bản thân chưa đủ chín chắn và thấu đáo để có thể trả lời. Dẫu sao tôi vẫn tôn trọng quyết định của em và làm những điều trong quyền hạn mà em cho phép - trích dẫn comment trong bài.
Cụm từ “chịu lắng nghe” ở phần bình luận có lẽ khiến tôi suy ngẫm nhiều nhất. Bởi quay trở lại với phần đặt vấn đề ở đầu tiên: “Tranh biện”. Bản chất của debate đó chính là việc “chịu lắng nghe” quan điểm của đối phương. Mọi thứ chỉ có thể phát huy hết tác dụng khi được đặt trong sự thẳng thắn, đối thoại giữa các bên để tìm ra giải pháp nhằm khắc phục vấn đề. Chứ không phải khăng khăng giữ vững lập trường rồi cuối cùng ném vào nhau những lời nói “lạnh tanh như tiền”: “Tùy cháu!”.
Tiếc thay là trong màn đối chất so găng này, không có “người hòa giải” như trong chính nguyên gốc của một cuộc tranh biện “chuẩn mẫu” để phán xử xem, vị tiến sĩ này đã sai ở điểm nào, những bạn học sinh chưa đúng ra làm sao. Nhưng nếu cho tôi quyền hạn của một “người hòa giải”, tôi thấy vị tiến sĩ kia đang mắc một số lỗi, trong đó trầm trọng nhất là biện luận một chiều.
Khi một dòng quan điểm của vị tiến sĩ này đưa ra: Học trường chuyên chỉ có “học lệch”, “canh tranh”, “khó chấp nhận thất bại”, “đau ốm”... Thì một dòng lập luận khác của các bạn học sinh dội ngược lại: Có rất nhiều học sinh trường chuyên ra đời thành công, giỏi giang, không đau ốm… Vị này không giải thích được, không chấp nhận bổ sung luận điểm, vẫn khăng khăng học chuyên là chỉ có “đau ốm”, “áp lực”. Liệu như vậy có thỏa đáng?
Còn về phía học sinh, điều mà các bạn chưa đúng đó là sự nóng vội trong việc phản biện. Bên cạnh những lời lập luận xác đáng - như tôi lấy ví dụ ở trên, thì cũng rất nhiều người đưa ra quan điểm theo hướng khiêu khích. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể lý giải được bởi theo cuốn Tâm Lý Học Đám Đông của Gustave Le Bon, “đám đông mang tính bốc đồng, tính dễ thay đổi, tính dễ bị kích động và giận dữ là trạng thái bình thường của đám đông bị dồn nén”. Nếu các bạn vẫn còn hoài nghi về trích dẫn trên, hãy quay trở lại với lập luận đầu tiên của tôi: “Khi quyền lợi bị xâm phạm, thì chắc hẳn một bộ phận các bạn học sinh chuyên Ams - những người gián tiếp hứng chịu mũi dìu chỉ trích, sẽ đứng lên để bảo vệ quan điểm của mình”.
Học sinh trường chuyên cũng có cái khó của học sinh trường chuyên, học sinh trường thường cũng có cái khổ của học sinh trường thường. Nhưng bạn biết sự tương đồng giữa hai nhóm đối tượng trên là gì không? - Là gốc gác của nó vẫn là “học sinh” - những người đang cần được học, được rèn luyện mỗi ngày để trưởng thành.
Song điều đó không đồng nghĩa với việc khi tham gia tranh luận với người lớn, các bạn sẽ không được phép thẳng thắn thể hiện quan điểm của bản thân. Thậm chí, với câu chuyện trường chuyên ở trên, từ phía mình, các bạn đã một cuộc phản biện hết sức tử tế và chỉn chu - một điều chưa chắc người lớn đã làm được.
Mặt trái - mặt phải, cái đúng - cái sai là những thứ khó lòng lý giải được. Biết là sẽ chẳng dễ dàng trong việc tiếp thu quan điểm của ai đó khi nó phạm vào niềm tin của chính mình, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu chúng ta cứ hành xử như vậy? Tư duy phản biện hiệu quả nhất là tư duy phản biện chính mình. Học cách chấp nhận lỗi sai thông qua việc nhìn sâu, nhìn thẳng vào vấn đề, rồi sẽ thấy: “Sai lầm không đáng sợ như ta tưởng!” .
Phụ nữ Việt Nam